Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng được quy định cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg. Một số quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể như sau:
- Quyền của ngân hàng thương mại:
+ Yêu cầu Ngân hàng Phát triển cung cấp các quy chế liên quan đến bảo lãnh tín dụng;
+ Yêu cầu Ngân hàng Phát triển thực hiện nghĩa vụ theo chứng thư bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan;
+ Yêu cầu Ngân hàng Phát triển chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh trong trường hợp Ngân hàng Phát triển từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Yêu cầu Ngân hàng Phát triển có ý kiến bằng văn bản đối với việc sửa đổi hợp đồng tín dụng;
+ Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ của ngân hàng thương mại:
+ Cung cấp các tài liệu cho Ngân hàng Phát triển theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 7 Thông tư 47/2014/TT-BTC;
+ Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cho vay tại quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và quy trình nghiệp vụ của ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển (bao gồm cả khâu thẩm định hồ sơ vay vốn; quyết định cho vay; kiểm tra, giám sát khoản vay; thu hồi nợ; chấp hành chế độ chứng từ, hồ sơ giải ngân...);
+ Giải ngân vốn vay phù hợp với số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đầu tư vào dự án tại thời điểm giải ngân để đảm bảo tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 47/2014/TT-BTC;
+ Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ giải ngân vốn vay theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về kết quả và kết luận kiểm tra, kiểm soát;
+ Giám sát chặt chẽ nguồn thu của doanh nghiệp để thu nợ. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ do gặp khó khăn bất khả kháng trong sản xuất kinh doanh, áp dụng các biện pháp như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp hoặc các biện pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp áp dụng các biện pháp này, ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển để xử lý;
+ Có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển. Quá thời hạn này, ngân hàng thương mại không có văn bản gửi Ngân hàng Phát triển thì được coi là chấp thuận việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển;
+ Trong trường hợp chấp thuận việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển, ngân hàng thương mại có trách nhiệm giao lại chứng thư bảo lãnh (bản gốc); đồng thời nhận lại tài sản bảo đảm và (hoặc) các giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm để Ngân hàng Phát triển thanh lý hợp đồng bảo lãnh với doanh nghiệp;
+ Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 47/2014/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật