Mối quan hệ phối hợp công tác của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực với các cơ quan, tổ chức có liên quan

Mối quan hệ phối hợp công tác của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực với các cơ quan, tổ chức có liên quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Đặng Ngọc Sơn, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, mối quan hệ phối hợp công tác của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực với các cơ quan, tổ chức có liên quan được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Đặng Ngọc Sơn (ngocson*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 16/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2015/NĐ-CP về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành thì mối quan hệ phối hợp công tác của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban QLDA chuyên ngành, khu vực) với các cơ quan, tổ chức có liên quan được quy định cụ thể như sau:

Căn cứ quy mô, tính chất và Điều kiện của dự án được giao quản lý, người quyết định thành lập Ban quản lý dự án quy định mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban quản lý dự án với cơ quan, tổ chức có liên quan. Cụ thể như sau:

- Đối với người quyết định thành lập Ban quản lý dự án, người quyết định đầu tư:

+ Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trực tiếp của người quyết định thành lập Ban quản lý dự án, người quyết định đầu tư của các dự án được giao làm chủ đầu tư trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được người quyết định đầu tư ủy quyền;

+ Trình phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án (kể cả trong trường hợp Điều chỉnh, bổ sung);

+ Trình thẩm định, phê duyệt các nội dung thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư theo nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật;

+ Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình triển khai thực hiện các dự án được giao quản lý; đề xuất biện pháp phối hợp xử lý những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình;

+ Giải trình các nội dung cần thiết theo yêu cầu của người quyết định thành lập Ban quản lý dự án, người quyết định đầu tư.

- Đối với chủ đầu tư ủy thác quản lý dự án, chủ quản lý sử dụng công trình:

+ Thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với chủ đầu tư ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết và theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án nhận ủy thác quản lý dự án;

+ Tiếp nhận, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng và tạm ứng, thanh toán, quyết toán với nhà thầu theo ủy quyền của chủ đầu tư;

+ Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án của chủ đầu tư theo ủy quyền và theo quy định của pháp luật có liên quan;

+ Phối hợp với chủ quản lý sử dụng công trình khi lập, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng và nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành vào vận hành, sử dụng (kể cả việc bảo hành công trình theo quy định);

+ Bàn giao công trình hoàn thành cho chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; quản lý công trình xây dựng hoàn thành trong trường hợp chưa xác định được chủ quản lý sử dụng công trình hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư.

- Đối với nhà thầu xây dựng:

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn theo quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền của chủ đầu tư có dự án được ủy thác quản lý dự án;

+ Thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhà thầu xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;

+ Tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, vướng mắc của nhà thầu trong quá trình thực hiện.

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp:

+ Thực hiện (hoặc theo ủy quyền) các thủ tục liên quan đến công tác chuẩn bị dự án, cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật;

+ Trình cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

+ Chủ trì phối hợp với UBND các cấp trong việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư;

+ Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý hành chính, bảo đảm an ninh, an toàn cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án, bàn giao công trình vào sử dụng;

+ Báo cáo, giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện quản lý dự án (khi được yêu cầu), sự cố công trình, an toàn trong xây dựng và đề xuất biện pháp phối hợp xử lý những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình;

+ Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về mối quan hệ phối hợp công tác của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 16/2016/TT-BXD.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào