Phương pháp xác định trọng tải, công suất của phương tiện không đăng kiểm, không đăng ký để xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy nội địa
Tại Điều 4 Thông tư 12/2016/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có quy định về phương pháp xác định trọng tải, công suất của phương tiện không đăng kiểm, không đăng ký để xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy nội địa, cụ thể như sau:
Đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân quy định tại Nghị định 132/2015/NĐ-CP liên quan đến phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm thì phương pháp xác định trọng tải toàn phần, công suất của phương tiện để áp dụng xử phạt, như sau:
1. Trọng tải toàn phần của phương tiện ký hiệu là T (tấn) và được tính theo công thức T = A x K, trong đó:
a) A là giá trị của số đo chiều dài boong chính, đo từ mũi đến lái phương tiện nhân với số đo chiều rộng mép boong ở giữa phương tiện nhân với số đo chiều cao mạn, đo từ đáy đến mặt boong ở giữa phương tiện, được tính theo công thức A = L x B x D, trong đó:
L (m): Chiều dài boong chính đo từ mũi đến hết lái phương tiện;
B (m): Chiều rộng mép boong đo ở giữa phương tiện;
D (m): Chiều cao mạn đo từ đáy đến mặt boong ở giữa phương tiện.
b) K là hệ số tương ứng với giá trị A và áp dụng như sau:
Giá trị của A từ 4,55 m3 đến 18,76 m3 thì hệ số K = 0,26;
Giá trị của A từ trên 18,76 m3 đến 49,80 m3 thì hệ số K = 0,29;
Giá trị của A từ trên 49,80 m3 đến 387,20 m3 thì hệ số K = 0,35;
Giá trị của A từ trên 387,20 m3 đến 1.119,80 m3 thì hệ số K = 0,51;
Giá trị của A trên 1.119,80 m3 thì hệ số K = 0,57.
2. Trường hợp không xác định được trọng tải toàn phần theo quy định tại khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền đề nghị Cơ quan đăng kiểm xác định trọng tải toàn phần của phương tiện để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Nếu phương tiện không phải là phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách thì căn cứ vào tổng công suất máy chính lắp trên phương tiện để áp dụng hình thức, mức phạt.
4. Đối với phương tiện như: bến nổi hoặc kết cấu nổi khác mà trên đó đặt thiết bị thi công cuốc, hút để nạo vét luồng, khai thác khoáng sản, xếp dỡ hàng hóa nếu không đủ căn cứ để xác định trọng tải toàn phần hoặc công suất của phương tiện thì xác định như sau:
a) Phương tiện có chiều dài lớn nhất đến 10 m hoặc có chiều rộng lớn nhất đến 4 m thì được xác định như phương tiện có trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn;
b) Phương tiện có chiều dài lớn nhất trên 10 m hoặc có chiều rộng lớn nhất trên 4 m thì được xác định như phương tiện có trọng tải toàn phần trên 15 tấn;
c) Chiều dài của phương tiện được tính từ điểm ngoài cùng của mũi phương tiện đến điểm ngoài cùng của lái phương tiện hoặc từ hai điểm ngoài cùng của phương tiện nơi có mặt cắt lớn nhất trên mặt boong;
d) Chiều rộng của phương tiện được tính từ mép boong bên này đến mép boong bên kia, ở vị trí có kích thước lớn nhất.
Trên đây là nội dung câu trả lời về phương pháp xác định trọng tải, công suất của phương tiện không đăng kiểm, không đăng ký để xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy nội địa. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 12/2016/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật