Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra thuế bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP thì hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra thuế được quy định cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp hoặc không vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Không bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải khi cơ quan hải quan yêu cầu mà không có lý do xác đáng;
+ Vi phạm các quy định về lập, lưu trữ hồ sơ, chứng từ, sổ sách;
+ Không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Không xuất trình hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, hàng hóa còn đang lưu giữ là đối tượng kiểm tra sau thông quan để cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật hải quan;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Sử dụng niêm phong hải quan giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo, không hợp pháp, không đúng với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không phải là tội phạm;
+ Sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan;
+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan mà không phải là tội phạm.
- Hình thức phạt bổ sung:
+ Tịch thu hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4; Điểm a Khoản 5 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP mà hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép;
+ Tịch thu niêm phong, chứng từ, tài liệu giả mạo; chứng từ không hợp pháp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4; Điểm a Khoản 5 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP mà hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP để trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP
Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra thuế. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật