Tính hợp lệ của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định hiện hành

Tính hợp lệ của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định ra sao? Xin chào Quý Ban biên tập, tôi là Nguyễn Văn Tuấn hiện đang sinh sống và làm việc tại Tp Đà Nẵng, vì nhu cầu tìm hiểu tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp cụ thể như sau: Tính hợp lệ của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Tính hợp lệ của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:

1. Văn bản điện tử theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Thông tư này được chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư phát hành dưới dạng điện tử thì được xem là văn bản gốc, có giá trị pháp lý để làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực phục vụ công tác đánh giá, giám sát, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh toán và giải ngân đảm bảo thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu theo Khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu.

2. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện đánh giá, giám sát, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh toán trong quá trình lựa chọn nhà thầu không được yêu cầu cung cấp văn bản giấy khi các tổ chức, cá nhân này có thể tra cứu, xem văn bản điện tử tương ứng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trừ trường hợp cần kiểm tra, xác nhận văn bản gốc đối với các văn bản mà chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư không thể phát hành dưới dạng điện tử (như thư bảo lãnh, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính đã được kiểm toán, giấy phép bán hàng).

3. Văn bản điện tử được gửi đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chỉ được coi là có giá trị khi đã gửi thành công mà Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhận được và có phản hồi (ngay sau khi nhận được). Thời gian gửi, nhận các văn bản điện tử được xác định căn cứ theo thời gian ghi lại trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và không thể bị chỉnh sửa bởi Tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

4. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải thông báo cho người gửi văn bản điện tử tình trạng gửi (thành công hay không thành công) khi họ gửi văn bản điện tử lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

5. Bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư, Tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia truy xuất lịch sử các giao dịch của mình trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (bao gồm thông tin về thời điểm, người gửi, người nhận, tình trạng gửi văn bản điện tử và các thông tin khác). Thông tin về lịch sử giao dịch được sử dụng để giải quyết tranh chấp (nếu có) về việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trên đây là nội dung câu trả lời về tính hợp lệ của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Để hiểu rõ thêm và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào