Quy định về việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Khoản 6 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP thì việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Hàng hóa xâm phạm được quy định như sau:
+ Hàng hóa xâm phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;
+ Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.
- Giá trị hàng hóa xâm phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
+ Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm;
+ Giá thực bán của hàng hóa xâm phạm;
+ Giá thành của hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;
+ Giá nhập của hàng hóa xâm phạm.
- Giá trị hàng hóa xâm phạm được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
- Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thì việc định giá do hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm quyết định.
Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật