Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục gồm những biện pháp nào?

Các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa trong lĩnh vực giáo dục. Trong quá trình làm việc, tôi gặp một vài vướng mắc, mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành thì đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, ngoài hình thức xử phạt chính, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, vậy đó là những biện pháp nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!  Mỹ Hạnh (hanh***@gmail.com)

Ngày 22/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 4 Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau: 

1. Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thuộc cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập không đúng thẩm quyền.

2. Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật.

3. Buộc hủy bỏ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi viết thêm, sửa nội dung bài thi, học bạ, sổ điểm, phiếu điểm hoặc các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người học.

5. Buộc đảm bảo quyền lợi của thí sinh đối với hành vi làm mất bài thi.

6. Buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; trường hợp không thể trả lại được thì nộp về ngân sách nhà nước số tiền do hành vi vi phạm mà có.

7. Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau bằng số lượng đã tuyển vượt; buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục;

8. Buộc bổ sung môn học hoặc nội dung giáo dục còn thiếu theo chương trình giáo dục quy định.

9. Buộc bổ sung đầy đủ điều kiện về đội ngũ nhà giáo, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng giáo dục hoặc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học.

10. Buộc hủy bỏ kết quả thi, kết quả đánh giá môn học, kết quả bảo vệ luận văn, luận án không đúng quy định; chấm lại bài thi, đánh giá lại kết quả môn học, tổ chức bảo vệ lại luận văn, luận án.

11. Buộc hủy bỏ phôi văn bằng chứng chỉ đã in không đúng nội dung quy định.

12. Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với cơ sở giáo dục đã tuyển trái phép, bị giải thể, bị tước giấy phép, bị đình chỉ hoạt động giáo dục.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục. Nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Biện pháp khắc phục hậu quả

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào