Sử dụng bằng đại học giả có phạm tội không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP thì người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi văn bằng, chứng chỉ vi phạm.
Ngoài ra, người làm bằng giả và sử dụng bằng giả còn có thể bị khởi tố theo quy định tại Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nếu có dấu hiệu của tội phạm (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018):
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Để hiểu rõ về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP và Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật