Những thắc mắc về bảo hiểm xã hội

Những thắc mắc về bảo hiểm xã hội?  Kính chào Ban biên tập, tôi xin được hỏi vấn đề tôi đang thắc mắc sau: Tôi tên là Hải Minh, năm nay 52 tuổi, tôi đã đóng BHXH được 29,5 năm (HĐLĐ của tôi là hợp đồng không xác định thời hạn), trong đó: + 26 năm đóng BHXH theo hệ số lương + 4.5 năm sau tôi chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần nhà nước và đóng BHXH theo tiền đồng Tôi đang định xin nghỉ thôi việc (sức khỏe của tôi vẫn tốt), bảo lưu BHXH để chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Tôi xin được hỏi: 1/ Điều kiện như thế nào thì đủ tiêu chuẩn nghỉ thôi việc? Tôi có được cơ quan chấp thuận xin nghỉ thôi việc không? 2/ Khi nghỉ việc, tôi có được bên cơ quan hiện tại trả trợ cấp thôi việc 1/2 tháng lương tính trên tổng số năm đóng BHXH là 29,5 năm không? 3/ Tôi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp 2 năm, lúc nghỉ tôi có được hưởng quyền lợi như thế nào? 4/ Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ do bản thân tôi tự đi đăng ký hay cơ quan sẽ đăng ký cho tôi? 5/ Cách tính lương hưu của tôi như thế nào? 6/ Thời gian bảo lưu kết quả đóng BHXH chờ đủ tuổi tôi không phải đóng BHXH phải không? Rất mong nhận được sự trả lời của Ban biên tập. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Chào anh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của anh như sau:

1. Anh có thể viết đơn xin nghỉ việc, nếu lí do anh trình bày là hợp lí và công ty có thể sắp xếp nhân sự thay thế thì có thể công ty sẽ giải quyết.

2. Trợ cấp thôi việc là khỏan trợ cấp của người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động theo quy định tại tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.” Vì vậy, khi anh nghĩ việc, cơ quan hiện tại chỉ thanh toán trợ cấp thôi việc cho thời gian thực tế anh công tác tại cơ quan đó.

3. Tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nêu rõ:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

4. Nếu anh đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh là người liên hệ cơ quan BHXH để hoàn tất hồ sơ này.

5. Ngoài ra, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định tại Điều 62 Luật BHXH 2014 như sau:

"1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

Điều này được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

60 tháng

b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

72 tháng

c) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

96 tháng

d) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

120 tháng

đ) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm (180tháng) cuối trước khi nghỉ việc

180 tháng

e) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm (240tháng) cuối trước khi nghỉ việc

240 tháng

g) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi:

Mbqtl

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của của toàn bộ thời gian đóng

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

Mbqtl: mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

6. Thời gian bảo lưu kết quả BHXH, anh không cần đóng BHXH.

Trên đây là nội dung tư vấn về những vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cách tính lương hưu và những vấn đề liên quan khác. Để hiểu rõ về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Việc làm 2013 và những văn bản pháp luật liên quan.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào