Thế nào là hoạt động khám giám định phúc quyết?
Ngày 28/12/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp ban hành Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT- BYT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện.
Thông tư này áp dụng đối với những trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật, cụ thể như sau:
1. Những trường hợp đã được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã được thành lập theo quy định tại Điều 16 Luật người khuyết tật thực hiện xác định mức độ khuyết tật (sau đây gọi là Hội đồng xác định mức độ khuyết tật), nhưng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật.
2. Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
3. Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật hoặc cá nhân hoặc cơ quan hoặc tổ chức có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác.
Theo đó, khám giám định phúc quyết là một trong những khái niệm trọng tâm và được định nghĩa tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT- BYT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Khám giám định phúc quyết là khám giám định mức độ khuyết tật cho các đối tượng đã khám giám định mức độ khuyết tật ở Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương, nhưng người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa nêu trên, yêu cầu khám phúc quyết.
Cũng theo quy định này, khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng Giám định y khoa các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về khám giám định phúc quyết. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT- BYT-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật