Giai đoạn chuẩn bị mở niêm phong vật chứng được tiến hành ra sao?

Giai đoạn chuẩn bị mở niêm phong vật chứng được quy định như thế nào? Chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về các hoạt động tố tụng hình sự. Qua một vài tài liệu, em thấy có đề cập đến hoạt động mở niêm phong vật chứng với trình tự, thủ tục gồm nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, một vài điểm em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, giai đoạn chuẩn bị mở niêm phong vật chứng được tiến hành ra sao? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Hoài Thương (thuong***@gmail.com)

Ngày 01/01/2018, Nghị định 127/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến niêm phong, mở niêm phong vật chứng.

Theo đó, giai đoạn chuẩn bị mở niêm phong vật chứng là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 127/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

a) Người chủ trì tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng mời, triệu tập người tham gia mở niêm phong vật chứng có mặt đúng thời gian, địa điểm được mời, triệu tập để mở niêm phong vật chứng.

Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến việc mở niêm phong vật chứng bị mất năng lực hành vi theo quy định của pháp luật hoặc đã chết, thì người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng mời người thân thích hoặc người đại diện hợp pháp của họ tham gia mở niêm phong vật chứng.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong là bị can, bị cáo đang bị giam giữ thì khi mở niêm phong, người tổ chức thực hiện mở niêm phong mời người thân thích hoặc người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức mở niêm phong vật chứng chứng kiến.

b) Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mở niêm phong vật chứng: Tiến hành thủ tục xuất kho vật chứng (đối với những vật chứng được quản lý trong kho vật chứng) hoặc thông báo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đang lưu giữ, bảo quản vật chứng.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về giai đoạn chuẩn bị mở niêm phong vật chứng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 127/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào