Quy định về quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới

Quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Thái Anh, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Trân trong! Thái Anh (thaianh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2017 thì quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới được quy định cụ thể như sau:

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm theo quy trình do Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Trường hợp đối tượng vật nuôi chưa có quy trình khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì khảo nghiệm theo quy trình do cơ sở khảo nghiệm tự xây dựng và được hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm do Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi thành lập chấp nhận. Quy trình khảo nghiệm phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Kiểm tra ban đầu: Phân tích trong phòng thí nghiệm về thành phần hóa học, các chất dinh dưỡng, các chất độc hại của thức ăn khảo nghiệm theo tiêu chuẩn chất lượng công bố, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và yêu cầu của hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm.

- Đánh giá tác động của sản phẩm trên vật nuôi về khả năng sinh trưởng, phát triển, sức sản xuất của vật nuôi và môi trường, đảm bảo các yêu cầu:

+ Thời gian khảo nghiệm ít nhất một chu kỳ nuôi hoặc một giai đoạn nuôi, số lần lặp lại của mỗi công thức khảo nghiệm tối thiểu là 03 lần;

+ Bố trí khảo nghiệm phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi của vật nuôi;

+ Yếu tố kỹ thuật cần được đảm bảo thống nhất trong quá trình khảo nghiệm: Chất lượng con giống đưa vào khảo nghiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; mật độ nuôi đúng theo tiêu chuẩn hoặc quy trình kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các lô thí nghiệm và đối chứng có cùng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ khác biệt lô thí nghiệm và đối chứng là thức ăn khảo nghiệm.

- Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm:

+ Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, sức sản xuất của vật nuôi;

+ Tỷ lệ nuôi sống, trạng thái sức khỏe qua các giai đoạn phát triển của vật nuôi;

+ Hệ số chuyển hóa thức ăn;

+ Dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại khác trong sản phẩm vật nuôi và môi trường (nêu cụ thể trong đề cương khảo nghiệm);

+ Đánh giá biến động các chỉ tiêu môi trường trong quá trình nuôi có liên quan đến đặc tính sản phẩm (đối với thức ăn thủy sản);

+ Các chỉ tiêu khác có liên quan (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn về quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào