Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được thẩm tra ra sao?

Việc thẩm tra chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên khoa Luật dân sự trường Đại học Luật TP.HCM. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ Công Thương, tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được thẩm tra ra sao? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Thanh Tùng (tung***@gmail.com)

Ngày 29/6/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 08/2016/TT-BCT quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương. Thông tư này quy định về công tác chuẩn bị; trình tự, thủ tục lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, thẩm định, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Theo đó, việc thẩm tra chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 17 Thông tư 08/2016/TT-BCT. Cụ thể như sau:

1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 14Thông tư này của các đơn vị thuộc Bộ để trình Bộ trưởng xem xét đưa vào Chương trình.

2. Trường hợp hồ sơ đề nghị không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 14 Thông tư này, trong thời hạn 05 (năm) ngày, Vụ Pháp chế đề nghị các đơn vị thuộc Bộ bổ sung, hoàn thiện.

3. Vụ Pháp chế thực hiện thẩm tra trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm yêu cầu do các đơn vị thuộc Bộ gửi đến.

4. Nội dung thẩm tra chủ yếu bao gồm: sự cần thiết, căn cứ pháp lý ban hành văn bản; phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chính sách cơ bản của văn bản; tính đồng bộ, tính khả thi, sự phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Điều kiện bảo đảm để xây dựng và thực thi văn bản. Đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, Vụ Pháp chế có ý kiến đối với thủ tục hành chính dự kiến quy định. Đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, Vụ Pháp chế có ý kiến về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản.

5. Trong quá trình thẩm tra, nếu cần phải làm rõ các nội dung liên quan, đơn vị đề nghị xây dựng văn bản có trách nhiệm giải trình với Vụ Pháp chế về những nội dung đó.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc thẩm tra chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 08/2016/TT-BCT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn bản quy phạm pháp luật

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào