Bộ Công thương lập kế hoạch đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết ra sao?
Ngày 29/6/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 08/2016/TT-BCT quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương. Thông tư này quy định về công tác chuẩn bị; trình tự, thủ tục lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, thẩm định, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Theo đó, việc lập kế hoạch đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Bộ Công thương là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Thông tư 08/2016/TT-BCT. Cụ thể như sau:
1. Việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11, 12 Thông tư này áp dụng đối với:
a) Luật của Quốc hội;
b) Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
c) Nghị quyết của Quốc hội quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 15 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Luật);
d) Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 của Luật.
2. Trước khi triển khai việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết quy định tại Khoản 1 Điều này, các đơn vị thuộc Bộ phải xây dựng Kế hoạch đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết (trong đó xác định rõ thời gian chuẩn bị hồ sơ, thời gian tổ chức lấy ý kiến, thời gian gửi Vụ Pháp chế thẩm tra, thời gian gửi Bộ Tư pháp thẩm định, thời gian trình Chính phủ xem xét, thông qua) gửi Vụ Pháp chế cho ý kiến trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc lập kế hoạch đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Bộ Công thương. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 08/2016/TT-BCT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật