Quy định về các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Phạm Văn Nhân, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Trân trong! Phạm Văn Nhân (phamnhan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở thì các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp quy định sau đây thì không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở nằm trong khu vực không thuộc diện được sở hữu theo quy định tại Điều 75 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 76 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP;

+ Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.

- Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán hoặc tặng cho nhà ở; đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.

- Việc bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được thực hiện khi có các giấy tờ theo quy định sau đây:

+ Có hợp đồng tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự của Việt Nam;

+ Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của Luật Nhà ở và Điều 72 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP;

+ Có văn bản ủy quyền bán hoặc tặng cho nhà ở được lập theo quy định của pháp luật dân sự nếu ủy quyền cho người khác bán, tặng cho nhà ở.

- Trình tự, thủ tục mua bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

- Trường hợp trong số đối tượng được thừa kế nhà ở có cả người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và người không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên được thừa kế phải thống nhất phân chia tài sản nhà ở này theo một trong các trường hợp sau đây:

+ Các bên thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó cho người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

+ Các bên thống nhất thực hiện tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP để hưởng giá trị.

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nhà ở

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào