Quy định về việc tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN được quy định tại Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành như sau:
1. Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng.
2. Phương thức tính lãi: ngày đầu hằng tháng.
3. Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN:
Lcđi = Pcđi x k (đồng) (1)
Trong đó:
* Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).
* Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:
Pcđi = Plki - Spsi (đồng) (2)
Trong đó:
Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).
Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.
* k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:
- Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.
- Đối với BHYT, k tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.
Ví dụ 12: Tính lãi chậm đóng đối với đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đóng hàng tháng:
Doanh nghiệp B đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đóng hàng tháng. Tính đến hết tháng 02/2016 Doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 200.000.000 đồng, nợ tiền đóng BHYT là 35.000.000 đồng; trong đó: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 2/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2016 là 20.000.000 đồng. Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN bình quân năm 2016 là 6,39%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 6,5%/năm, thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ, BNN như sau:
Lãi suất chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN: kbhxh = 2 x 6,39%/12= 1,0650%
Lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT: kbhyt = 2 x 6,5%/12 = 1,0833%
Áp dụng công thức trên để tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với Doanh nghiệp B tại thời điểm ngày 01/3/2016 như sau:
Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 1.065.000 đồng [(200.000.000 đồng - 100.000.000 đồng) x 1,0650%].
Tiền lãi chậm đóng BHYT là 162.495 đồng [(35.000.000 đồng - 20.000.000 đồng) x 1,0833].
Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải thu đối với doanh nghiệp M tại thời điểm tháng 3/2016 là 1.227.495 đồng (1.065.000 đồng + 162.495 đồng).
Ví dụ 13: Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với đơn vị đóng theo phương thức đóng 03 tháng, hoặc 06 tháng một lần một lần (để đơn giản, dưới đây nêu ví dụ tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Việc tính lãi chậm đóng BHYT thực hiện tương tự).
Doanh nghiệp C đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đóng 03 tháng một lần (tháng đầu tiên theo phương thức đóng từ tháng 01/2016). Tính đến hết tháng 5/2016 Doanh nghiệp C còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN là 350.000.000 đồng, trong đó, số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 4/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 5/2016 là 110.000.000 đồng.
Tại thời điểm tháng 5/2016 và tháng 6/2016 tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với Doanh nghiệp C như sau:
Theo công thức (2), số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải tính lãi (Pcđ6) mỗi tháng (tháng 5/2016 và tháng 6/2016) là: 140.000.000 đồng (350.000.000 đồng - 100.000.000 đồng - 110.000.000 đồng);
Giả sử lãi suất tính lãi BHXH tính theo Ví dụ 1 là 1,0650%, theo công thức (1) tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN tại tháng 5/2016 và tháng 6/2016 (Lcđ6) mỗi tháng là 1.491.000 đồng (140.000.000 đồng x 1,0650%).
4. Số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải thu trong tháng, gồm: số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
Ví dụ 14. Cũng Doanh nghiệp B nêu tại Ví dụ 12 trên, giả sử đến hết tháng 3/2016 vẫn không nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (số tiền chuyển đóng là 0 đồng) thì sang tháng 4/2016, ngoài việc phải nộp tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đến hết tháng 02/2016 nêu trên là 235.000.000 đồng, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 3/2016 và tháng 4/2016 là 240.000.000 đồng, tiền lãi chậm đóng tính tại tháng 3/2016 là 1.227.495 đồng, Doanh nghiệp B còn phải nộp tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền nợ lũy kế đến hết tháng 02/2016 là:
Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 2.130.000 đồng (200.000.000 đồng x 1,0650%);
Tiền lãi chậm đóng BHYT là 379.155 đồng (35.000.000 đồng x 1,0833%);
Tổng tiền lãi chậm đóng là 2.509.155 đồng (2.130.000 đồng + 379.155 đồng);
Tổng số tiền phải nộp trong tháng 04/2016 (tiền nợ và tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh, tiền lãi chậm đóng còn nợ và tiền lãi phát sinh) là 478.736.650 đồng (475.000.000 đồng + 1.227.495 đồng + 2.509.155 đồng).
Trường hợp đơn vị không còn tại địa điểm đăng ký kinh doanh (đơn vị mất tích) đã được cơ quan BHXH chốt số tiền phải đóng và tiền lãi chậm đóng đến thời điểm đơn vị không còn tại địa điểm đăng ký kinh doanh, khi đơn vị đề nghị giao dịch lại, ngoài số tiền nợ phải đóng và tiền lãi, còn phải đóng tiền lãi phát sinh của số tiền nợ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ thời điểm đơn vị ngừng giao dịch theo mức lãi suất từng thời kỳ.
Ví dụ 15:
Đơn vị A không còn tại điểm đăng ký kinh doanh, cơ quan BHXH chốt số tiền nợ phải đóng là 50.000.000 đồng, nợ tiền lãi là 7.000.000 đồng từ tháng 01/2016. Tháng 07/2017 đơn vị tiếp tục tham gia, giả sử mức lãi suất BHXH, BHYT, BHTN năm 2016 là 1%/tháng; mức lãi suất BHXH, BHYT, BHTN năm 2017 là 1,2%/tháng, ngoài số tiền nợ phải đóng là 50.000.000 đồng và nợ tiền lãi là 7.000.000 đồng còn phải đóng số tiền lãi từ tháng 01/2016 đến 30/6/2017 là 9.600.000 đồng (=50.000.000 đồng x 1% x 12 tháng + 50.000.000 đồng x 1,2% x 6 tháng).
5. Hằng năm, trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01, BHXH Việt Nam thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại Điểm a và b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN cho BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.
Trên đây là nội dung quy định về việc tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật