Việc trích nộp quỹ bảo toàn tài chính của tổ chức tín dụng được thực hiện ra sao?

Việc trích nộp quỹ bảo toàn tài chính của tổ chức tín dụng được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trong quá trình làm việc, tôi có quan tâm và tìm hiểu thêm về hoạt động của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, hiện nay, việc trích nộp quỹ bảo toàn tài chính của tổ chức tín dụng được thực hiện ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Phan Thanh Bình (binh***@gmail.com)

Ngày 23/01/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2014/TT-NHNN quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Thông tư này quy định việc trích nộp phí tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Quỹ bảo toàn) nhằm hỗ trợ bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, việc trích nộp quỹ bảo toàn tài chính của tổ chức tín dụng là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2014/TT-NHNN, được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 06/2017/TT-NHNN. Cụ thể như sau:

1. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (trừ trường hợp đang bị áp dụng kiểm soát đặc biệt) có trách nhiệm trích nộp phí tham gia đầy đủ, đúng hạn vào Quỹ bảo toàn một năm một lần trước ngày 31/01 của năm tiếp theo. Việc trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Thông tư này bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014.

2. Việc trích nộp Quỹ bảo toàn theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau: 

a) Mức phí trích nộp hằng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân. 

Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế. Riêng đối với ngân hàng hợp tác xã, số dư nợ cho vay tại thời điểm cuối mỗi tháng được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; 

b) Việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. 

Trường hợp, sau khi trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính dẫn đến tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn cao hơn hoặc bằng 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thì Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân vẫn thực hiện trích nộp Quỹ bảo toàn đối với năm tài chính đó; 

c) Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

3. Chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn, lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại ngân hàng hợp tác xã theo quy định pháp luật được sử dụng bổ sung Quỹ bảo toàn.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc trích nộp quỹ bảo toàn tài chính của tổ chức tín dụng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 03/2014/TT-NHNN.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào