Việc hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước được thực hiện ra sao?

Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong quá trình làm việc, tôi có quan tâm và tìm hiểu thêm về hoạt động của Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, một cách chính xác thì việc hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước được tiến hành ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Thùy Dương (duong***@gmail.com)

Ngày 22/10/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2015/TT-NHNN Quy định Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này quy định hệ thống tài khoản kế toán, việc mở, sửa đổi tài khoản kế toán sử dụng trong hệ thống quản lý và hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính (phần mềm ERP) tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước và viết tắt tà NHNN).

Theo đó, hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 9 Thông tư 19/2015/TT-NHNN. Cụ thể như sau:

Việc hạch toán trên các tài khoản ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước quy định trong Hệ thống tài khoản kế toán này phải thực hiện theo các quy định sau:

1. Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị đo lường là gram.

2. Các giao dịch phát sinh theo loại tiền tệ nào được hạch toán theo loại tiền tệ đó.

3. Các bút toán hạch toán ngoại tệ phải được hạch toán trên cặp tài khoản đối ứng và đảm bảo cân đối theo từng loại ngoại tệ.

4. Đối với các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ, hạch toán đồng thời các bút toán đối ứng bằng ngoại tệ và bút toán đối ứng bằng đồng Việt Nam.

5. Đối với các khoản thu, trả lãi, phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam để hạch toán vào thu nhập, chi phí.

6. Tỷ giá hạch toán

a) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ;

b) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ khác như thu, trả lãi, phí bằng ngoại tệ, điều chuyển và hoán đổi giữa Quỹ Dự trữ ngoại hối và Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng:

(i) Đối với đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN công bố tại ngày hạch toán;

(ii) Đối với loại ngoại tệ khác đồng đô la Mỹ: Tỷ giá được quy đổi thông qua tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN công bố và tỷ giá giữa các loại ngoại tệ niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg hoặc các phương tiện khác trước 10 giờ sáng ngày hạch toán.

c) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ ngoại tệ theo Luật Ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

7. Định kỳ (ngày, tháng, quý, năm) khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán quy đổi theo từng loại ngoại tệ và Bảng cân đối tài khoản kế toán cộng quy đổi, hệ thống tự động quy đổi số dư, doanh số hoạt động trong kỳ báo cáo của các tài khoản ngoại tệ ra đồng Việt Nam. Tỷ giá quy đổi cụ thể như sau:

a) Đối với đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá quy định tại điểm b(i) khoản 6 Điều này tại ngày lập Bảng cân đối tài khoản kế toán;

b) Đối với loại ngoại tệ khác đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá quy định tại điểm b(ii) khoản 6 Điều này tại ngày lập Bảng cân đối tài khoản kế toán;

c) Đối với các khoản mục phi tiền tệ; khoản mục ngoại tệ theo Luật Ngân sách Nhà nước: tỷ giá bằng tỷ giá hạch toán tại ngày giao dịch (các tài khoản này không được đánh giá lại);

d) Số chênh lệch do quy đổi số dư cuối ngày, tháng (quy ra đồng Việt Nam) của các tài khoản có gốc ngoại tệ được hạch toán chuyển vào Tài khoản 503001 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.

8. Kết quả mua bán ngoại tệ được tính bằng chênh lệch giữa doanh số bán ngoại tệ với doanh số mua vào tương ứng hạch toán vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí theo quy định.

9. Cuối năm tài chính, số chênh lệch do đánh giá lại ngoại tệ (nếu có) hạch toán vào tài khoản 501003- Vốn do đánh giá lại tài sản (tài khoản cấp III thích hợp).

10. Để phân biệt đồng Việt Nam, các loại ngoại tệ, vàng NHNN sử dụng thống nhất Bảng mã tiền tệ theo quy định tại Phụ lục số 02 của Thông tư này.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 19/2015/TT-NHNN.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào