Trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động kinh doanh xăng dầu trên đường thủy

Chào các anh chị! Hiện nay công ty em đang sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản có diện tích khá rộng khoảng 40ha, một mặt giáp quốc lộ, 1 mặt giáp sông. Do nhu cầu muốn kinh doanh thêm lĩnh vực xăng dầu đường thủy, bán xăng dầu cho các phương tiện ghe, tàu, sà la, tận dụng 1 phần bến sông để mở cửa hàng xăng dầu. Anh chị vui lòng tư vấn giúp em các bước để thực hiện, trình tự thủ tục và các đơn biểu mẫu có liên quan. Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý Ban biên tập. Em xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Việt Hoàng (hoang***@gmail.com)

Đối với thắc mắc của bạn, theo quy định pháp luật hiện hành thì kinh doanh xăng dầu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên khi xin giấy phép hoạt động công ty bạn lưu ý phải đáp ứng những điều kiện đối với cửa hàng được quy định tại Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và phải được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và các biểu mẫu có liên quan bạn tham khảo chi tiết tại Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau: 

1. Sở Công Thương có trách nhiệm cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn có đủ các điều kiện quy định tại Điều 24 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thương nhân chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản kê trang thiết bị của cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định này và tài liệu chứng minh tính hợp pháp về xây dựng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản sao chứng chỉ hoặc giấy tờ tương đương về đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên cửa hàng theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về Sở Công Thương trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

3. Trình tự cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Sở Công Thương.

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

c) Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 4 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

5. Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ một (01) tháng trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 24 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên đường thủy, công ty bạn còn phải lưu ý đến việc đáp ứng những yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2015/BCT.

Có một điều lưu ý với công ty bạn rằng, địa điểm dự kiến mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải nằm trong quy hoạch được phép mở cây xăng của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở Công thương địa phương; đáp ứng những điều kiện khác mà tại địa phương dự kiến kinh doanh xăng dầu quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trình tự, thủ tục thành lập cơ sở kinh doanh xăng dầu trên đường thủy. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào