Việc chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho tổ chức, cá nhân, cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải bảo đảm các yêu cầu nào?
Việc chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho tổ chức, cá nhân, cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải bảo đảm các yêu cầu được quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, cụ thể như sau:
a) Có hợp đồng chuyển giao nguồn phóng xạ, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ bên giao và bên nhận, thông tin về tên, hoạt độ phóng xạ, mã hiệu (model), số xêri (series No.) của nguồn phóng xạ và quy định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ sau khi hoàn thành việc chuyển giao;
b) Trường hợp chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ, bên chuyển giao phải có nghĩa vụ tài chính đóng góp phí lưu giữ cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ;
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật về xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ;
d) Việc giao nhận nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được lập biên bản (số lượng 03 bản) theo Mẫu số 3 Phụ lục V Thông tư này, có chữ ký của đại diện bên giao, bên vận chuyển và bên tiếp nhận; mỗi bên giữ 01 bản để lưu;
đ) Việc giao nhận phải được kiểm tra và xác nhận của các bên liên quan bảo đảm nguồn phóng xạ được chuyển đúng số lượng, chủng loại và đến đúng địa chỉ của cơ sở tiếp nhận theo hợp đồng;
e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chuyển giao nguồn phóng xạ, chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải gửi bản sao biên bản giao nhận nguồn phóng xạ cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương như quy định tại điểm c Khoản 3 Điều này.
Trên đây là nội dung câu trả lời về các yêu cầu khi chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cho tổ chức, cá nhân, cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật