Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được quy định như thế nào? Xin chào Quý ban biên tập, tôi là Quang Đăng hiện đang là công chức đang làm việc tại phòng Tài nguyên Môi trường của quận, vì nhu cầu tìm hiểu tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp như sau: Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào?  Tôi có thể tìm hiểu vẫn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng là nguồn phóng xạ kín mà tổ chức, cá nhân sở hữu không còn sử dụng trong công việc bức xạ được cấp giấy phép và không có ý định tiếp tục sử dụng vào bất kỳ một mục đích nào khác hoặc không được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép cho phép sử dụng tiếp.

Nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được pháp luật quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2014/TT-BKHCN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, cụ thể như sau:

1. Chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.

2. Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định tại Thông tư số 19/2012/TT- BKHCN ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

3. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được trả lại cho nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nước ngoài trong trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp có chính sách nhận lại nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

4. Việc quản lý chất thải phóng xạ trong thành phần còn chứa các chất nguy hại không phóng xạ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Thông tư này, phải tuân thủ các quy định pháp luật khác liên quan đến quản lý chất thải nguy hại.

5. Chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

6. Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm (sau đây gọi là kim loại nhiễm bẩn phóng xạ) và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

7. Cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.

Trên đây là nội dung câu trả lời về nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quản lý chất thải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào