Đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo phương thức nào?
Ngày 06/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nghị định này quy định về:
- Giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
- Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 200/2015/TT-BTC. Cụ thể như sau:
1. Căn cứ các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Nghị định này, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Các chỉ tiêu này phải giao cho doanh nghiệp bằng văn bản trước ngày 30 tháng 4 của năm kế hoạch và không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).
Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm của doanh nghiệp phải được lập căn cứ vào Kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của ngành, các thay đổi về mặt pháp lý, kết quả hoạt động của năm trước, các nhiệm vụ chiến lược hoặc các nhiệm vụ được giao trong năm kế hoạch, các điều kiện bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Kế hoạch hằng năm phải bao gồm các mục tiêu tài chính cụ thể.
2. Việc đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở so sánh giữa kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao với kết quả thực hiện.
3. Kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp được phân loại: Doanh nghiệp xếp loại A, doanh nghiệp xếp loại B, doanh nghiệp xếp loại C theo mức độ hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp.
a) Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, căn cứ kết quả phân loại cho từng tiêu chí 1, 2, 3 và tiêu chí 4 quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này để xếp loại cho từng doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp xếp loại A khi không có tiêu chí xếp loại C, trong đó tiêu chí 2 và tiêu chí 4 được xếp loại A;
- Doanh nghiệp xếp loại C khi có tiêu chí 2 xếp loại C hoặc có tiêu chí, 2 xếp loại B và 3 tiêu chí còn lại xếp loại C;
- Doanh nghiệp xếp loại B là doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
b) Đối với doanh nghiệp được thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên ổn định và chủ yếu là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thì căn cứ kết quả xếp loại cho từng tiêu chí 1, 3, 4 và tiêu chí 5 quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này để xếp loại cho từng doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp xếp loại A khi không có tiêu chí xếp loại C và có tiêu chí 4 và tiêu chí 5 xếp loại A;
- Doanh nghiệp xếp loại C khi có tiêu chí 5 xếp loại C hoặc có tiêu chí 5 xếp loại B và 3 tiêu chí còn lại xếp loại C;
- Doanh nghiệp xếp loại B là doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp theo quy định tại Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật