Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN
Ngày 06/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nghị định này quy định về:
- Giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
- Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 87/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu:
a) Xây dựng và ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả các doanh nghiệp (trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, cơ chế phối hợp, báo cáo trong nội bộ cơ quan đại diện chủ sở hữu và giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bên liên quan) trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
b) Giao một đơn vị làm đầu mối thực hiện công tác giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp;
c) Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thu thập thông tin trực tiếp từ các doanh nghiệp;
d) Xác định chỉ tiêu giám sát tài chính đặc thù (nếu có) đối với từng doanh nghiệp trong từng thời kỳ phù hợp với hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp;
đ) Lập kế hoạch giám sát tài chính (bao gồm kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tài chính) đối với các doanh nghiệp. Kế hoạch giám sát tài chính phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát đối với mỗi doanh nghiệp. Kế hoạch giám sát tài chính phải được lấy ý kiến của cơ quan tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31 tháng 12 của năm trước để hoàn thiện, phê duyệt và công bố trước ngày 31 tháng 01 hằng năm;
e) Quy định thời gian nộp báo cáo về tình hình tài chính của các doanh nghiệp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, đảm bảo cơ quan đại diện chủ sở hữu có đủ thời gian tổng hợp và lập Báo cáo sáu (06) tháng về giám sát tài chính gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 8 của năm báo cáo và Báo cáo giám sát tài chính năm gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo;
g) Thu thập và quản lý thông tin tài chính của từng doanh nghiệp đảm bảo kịp thời, đầy đủ, liên tục;
h) Khi phát hiện tình hình tài chính, công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, phải cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp. Chỉ đạo doanh nghiệp có giải pháp kịp thời ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cơ quan tài chính cùng cấp đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về tài chính doanh nghiệp;
i) Căn cứ vào kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp và các quy định quản lý tài chính, doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu lập Báo cáo giám sát tài chính của từng doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính quy định tại Điều 24 Nghị định này, cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá “Doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính”, quyết định sự cần thiết thực hiện chế độ giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Mục 4 Chương III Nghị định này;
k) Lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính định kỳ sáu (06) tháng và hằng năm gửi Bộ Tài chính kèm theo báo cáo giám sát tài chính của từng doanh nghiệp. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 31 tháng 8 của năm báo cáo; báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý;
l) Tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của cơ quan tài chính, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc xử lý các sai phạm và biện pháp tăng cường giám sát tài chính doanh nghiệp. Xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp là công chức hoặc viên chức trong các trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định và không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo trong báo cáo giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, của Bộ Tài chính.
Trường hợp báo cáo tài chính có dấu hiệu không đầy đủ, chính xác, cơ quan đại diện chủ sở hữu được quyền yêu cầu doanh nghiệp thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập đáp ứng điều kiện chuyên môn thực hiện việc soát xét lại số liệu tài chính của doanh nghiệp để có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận giám sát.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật