Việc xác định quỹ tiền lương kế hoạch của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Ngày 13/6/2016,Chính phủ ban hành Nghị định 51/2016/NĐ-CP Quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định này quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau đây gọi tắt là công ty.
Theo đó, việc xác định quỹ tiền lương kế hoạch của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 5 Nghị định 51/2016/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Mục 3 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
1. Quỹ tiền lương kế hoạch được xác định dựa trên trên số lao động kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch theo Khoản 2 Điều này.
2. Mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định căn cứ vào mức tiền lương trong hợp đồng lao động, mức tiền lương bình quân thực hiện theo kết quả sản xuất kinh doanh của năm trước liền kề và gắn với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch của công ty như sau:
a) Đối với công ty có lợi nhuận thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định cao hơn mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động, dựa trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện theo kết quả sản xuất kinh doanh của năm trước liền kề gắn với mức tăng/giảm năng suất lao động (tính theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương hoặc sản lượng tiêu thụ) kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề theo nguyên tắc: năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch tăng thì tiền lương tăng tối đa không vượt quá mức tăng năng suất lao động; năng suất lao động tăng và lợi nhuận kế hoạch không tăng thì tiền lương tăng tối đa không vượt quá 80% mức tăng năng suất lao động; năng suất lao động tăng và lợi nhuận kế hoạch giảm thì tiền lương tăng tối đa không vượt quá 50% mức tăng năng suất lao động; năng suất lao động giảm thì tiền lương giảm so với thực hiện của năm trước liền kề.
b) Đối với công ty không có lợi nhuận hoặc lỗ (trừ các trường hợp khách quan quy định tại Khoản 3 Điều này) thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động và tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, khi làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật lao động.
c) Đối với công ty giảm lỗ so với thực hiện năm trước hoặc công ty mới thành lập thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh để xác định tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét trước khi quyết định.
3. Khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, công ty loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề, bao gồm:
a) Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước, điều chỉnh cơ chế chính sách hoặc yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận của công ty.
b) Công ty tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện việc tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp tái cơ cấu, xử lý và tái cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chênh lệch trả thưởng so với thực hiện năm trước đối với công ty kinh doanh xổ số.
c) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác.
4. Công ty thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu thì quỹ tiền lương kế hoạch tương ứng với khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được xác định theo khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, theo hợp đồng thầu.
5. Công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nhà nước có quy định hạn mức sản xuất, kinh doanh dẫn đến năng suất lao động so với thực hiện của năm trước liền kề không tăng hoặc tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng dự báo trong năm theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm thì được tính mức tăng tiền lương bình quân tối đa không vượt quá mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.
6. Đối với trường hợp công ty điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì phải điều chỉnh lại mức tiền lương bình quân và quỹ tiền lương kế hoạch cho bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điều này.
7. Căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tùy theo yêu cầu thực tế, công ty xác định đơn giá tiền lương tương ứng với chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc đơn vị sản phẩm, dịch vụ để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạm ứng tiền lương cho người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc xác định quỹ tiền lương kế hoạch của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 51/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật