Chi phí phát sinh riêng của nhà đầu tư không có khả năng thu hồi từ dự án đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được xử lý ra sao?

Việc xử lý chi phí phát sinh riêng của nhà đầu tư không có khả năng thu hồi từ dự án đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập.Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng trong lĩnh vực hàng hải. Trong quá trình theo dõi tin tức, thời sự, tôi có quan tâm và tìm hiểu thêm về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, hiện nay, chi phí phát sinh riêng của nhà đầu tư không có khả năng thu hồi từ dự án đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được xử lý ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Khắc Trung (trung***@gmail.com)

Từ ngày 01/01/2018, Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư tiến hành đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định Luật đầu tư, Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp quy định của Nghị định này khác với quy định của các Nghị định khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Nghị định này.

Theo đó, việc xử lý chi phí phát sinh riêng của nhà đầu tư không có khả năng thu hồi từ dự án đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định 124/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Nhà đầu tư được phân bổ các chi phí phát sinh; có hồ sơ, chứng từ hợp lý, hợp lệ vào chi phí sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, cụ thể như sau:

a) Chi phí mua quyền tham gia dự án dầu khí (hoa hồng chữ ký, hoa hồng trữ lượng hoặc chi phí tương tự khác) mà không được ghi nhận vào chi phí dự án ở nước ngoài hoặc không được thu hồi toàn bộ sẽ được phân bổ theo một trong các hình thức sau:

- Nhà đầu tư được phép phân bổ dần chi phí mua quyền tham gia dự án dầu khí trong thời hạn không quá 05 năm kể từ ngày thực hiện chi trả các chi phí này.

- Nhà đầu tư phân bổ dần theo kết quả đánh giá suy giảm giá trị mỏ (trữ lượng dầu khí có thể thu hồi và giá dầu) tại thời điểm cuối mỗi năm. Phần chi phí được phép phân bổ nêu trên được hạch toán vào chi phí của nhà đầu tư và được hoàn lại chi phí trong trường hợp giá trị trữ lượng mỏ tăng nhưng không vượt quá chi phí quyền tham gia dự án dầu khí ban đầu.

b) Chi phí quản lý, hành chính được phân bổ như sau:

- Nhà đầu tư được kết chuyển toàn bộ chi phí quản lý, hành chính do nhà đầu tư trực tiếp chi trả nhưng không được ghi nhận vào chi phí của dự án dầu khí ở nước ngoài, trừ các chi phí quản lý, hành chính trực tiếp đến dự án do người điều hành dự án gọi vốn định kỳ hoặc hàng năm.

- Các chi phí được kết chuyển gồm:

+ Chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện hoạt động hình thành dự án (phí đọc tài liệu; chi phí đi lại; hội họp, đàm phán, phí thành lập pháp nhân tham gia dự án theo yêu cầu của nước tiếp nhận đầu tư,...).

+ Chi phí văn phòng quản lý, hỗ trợ dự án.

- Chi phí này được phân bổ trong thời gian không quá 5 năm kể từ năm phát sinh chi phí.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc xử lý chi phí phát sinh riêng của nhà đầu tư không có khả năng thu hồi từ dự án đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 124/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Dự án đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào