Việc góp vốn thực hiện dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài được tiến hành theo những hình thức nào?
Từ ngày 01/01/2018, Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư tiến hành đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định Luật đầu tư, Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp quy định của Nghị định này khác với quy định của các Nghị định khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Nghị định này.
Theo đó, các hình thức góp vốn thực hiện dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 124/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
a) Góp vốn theo hình thức gọi vốn của người điều hành dự án;
b) Góp vốn vào công ty liên doanh điều hành chung, công ty điều hành;
c) Mua cổ phần của công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí;
d) Góp vốn theo hình thức cho công ty điều hành vay vốn;
đ) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng theo quy định này, nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả phần thay đổi so với vốn đầu tư ra nước ngoài đã đăng ký). Trường hợp nhà đầu tư có các khoản thu nhập từ việc đầu tư vốn cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập (nếu có) đối với các khoản thu nhập này theo quy định của pháp luật về thuế.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các hình thức góp vốn thực hiện dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 124/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật