Chế độ xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 68/2013/TT-BCA hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì chế độ xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân được quy định cụ thể như sau:
1. Xử lý đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính:
a) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu khiếu nại thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì không thụ lý nhưng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không thụ lý cho người khiếu nại biết;
b) Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân thì cán bộ xử lý căn cứ thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư này để đề xuất Thủ trưởng Công an cấp mình chuyển khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến; đồng thời thông báo việc chuyển đơn cho tổ chức Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để giúp Thủ trưởng cùng cấp theo dõi, quản lý kết quả giải quyết;
c) Trường hợp cơ quan, đơn vị Công an nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Công an cấp dưới trực tiếp, nhưng quá thời hạn theo quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, nếu đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011 thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng Công an nhận được khiếu nại thụ lý giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.
2. Xử lý đơn khiếu nại quyết định kỷ luật:
a) Khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật;
b) Khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình thì cán bộ xử lý căn cứ vào thẩm quyền quy định tại Điều 14 Thông tư này để đề xuất chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
3. Xử lý đơn khiếu nại về chế độ chính sách:
Khiếu nại về chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì chuyển đến cơ quan xây dựng lực lượng cấp đó để đề xuất xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.
4. Xử lý đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự của điều tra viên, Phó Thủ trưởng, Thủ trưởng cơ quan điều tra xử lý theo quy định tại Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
b) Khiếu nại bản kết luận điều tra của Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng cơ quan điều tra cùng cấp giải quyết. Trường hợp khiếu nại bản kết luận điều tra của Thủ trưởng cơ quan điều tra thì chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giải quyết;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
d) Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
5. Xử lý đơn khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự:
Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình thì cán bộ xử lý căn cứ vào thẩm quyền quy định tại Điều 152 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 để đề xuất chuyển khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
6. Xử lý đơn kiến nghị, phản ánh:
a) Kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại do cơ quan, đơn vị Công an nào đã hoặc đang giải quyết thì cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm xem xét, trả lời người kiến nghị, phản ánh;
b) Kiến nghị, phản ánh khác thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị Công an nào thì chuyển đến cơ quan, đơn vị đó xem xét, giải quyết; nếu đã đồng gửi đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 68/2013/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật