Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc, chết
Nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng (gồm cả tiền mai táng) đối với thân nhân người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, chết được quy định tại Tiểu mục 25 Mục III Phương án đơn giản hóa thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010 như sau:
- “Giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng (gồm cả tiền mai táng) đối với thân nhân người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, chết” (mã số B-BXH-075921-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng (gồm cả tiền mai táng) đối với thân nhân người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” (mã số B-BXH-075923-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
Đề nghị gộp các thủ tục trên làm 01 thủ tục là “Giải quyết chế độ tử tuất hàng tháng đối với thân nhân người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, chết (kể cả chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp)”.
a) Về hồ sơ:
Quy định cụ thể thành phần hồ sơ gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội (01 bản chính).
- Bản sao có chứng thực của Giấy chứng tử hoặc Giấy báo tử hoặc Quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết (02 bản);
- Tờ khai của thân nhân người chết (02 bản chính).
- Đối với trường hợp chết do tai nạn lao động thì có thêm Biên bản điều tra tai nạn lao động (01 bản chính); trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện truờng vụ tai nạn giao thông (01 bản sao có chứng thực); đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp thì có thêm bản sao có chứng thực Bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp (01 bản); đối với trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi còn đi học thì có thêm Giấy chứng nhận của nhà trường nơi đang học (01 bản chính).
b) Về trình tự thực hiện:
Quy định cụ thể các bước:
- Bước 1: Thân nhân người lao động lập thủ tục hồ sơ gồm: Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử, Tờ khai của thân nhân, Giấy chứng nhận của nhà trường nơi đang học đối với thân nhân là con từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi còn đang đi học.
- Bước 2: Người SDLĐ tập hợp hồ sơ từ người lao động, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, nộp cho tổ chức BHXH nơi người SDLĐ đóng BHXH.
- Bước 3: Tổ chức BHXH tiếp nhận hồ sơ (chuyển BHXH tỉnh nếu BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ), giải quyết chế độ và trả hồ sơ đã giải quyết cho người SDLĐ để trao cho thân nhân người lao động kèm theo Thông báo của tổ chức BHXH về thời gian, địa điểm nơi người lao động nhận trợ cấp hàng tháng. Trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng cư trú tại tỉnh khác thì BHXH tỉnh nơi giải quyết ban đầu chuyển hồ sơ đã giải quyết đến BHXH tỉnh nơi thân nhân cư trú và chuyển cho thân nhân lấy xác nhận vào Tờ khai, lập hồ sơ theo quy định (nếu thuộc đối tượng) để giải quyết tiếp trợ cấp tuất hàng tháng như quy định tại bước 3.
c) Về mẫu đơn, mẫu tờ khai:
- Đổi tên Tờ khai hoàn cảnh gia đình (mẫu số 09-HSB) thành Tờ khai của thân nhân; đồng thời thiết kế lại các tiêu thức theo hướng kê khai đầy đủ các thân nhân (theo quy định) hiện còn sống có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thân nhân hưởng tuất tháng cư trú và bỏ nội dung xác nhận của người SDLĐ.
d) Vấn đề khác:
- Đề nghị nghiên cứu sửa đổi về điều kiện hưởng theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức BHXH trong việc xác định đối tượng; đồng thời nghiên cứu sửa đổi về mức hưởng giữa trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần để đảm bảo công bằng, hợp lý.
- Đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn Hội đồng giám định y khoa các cấp trả kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động (Biên bản giám định y khoa) về tổ chức BHXH nơi đã giới thiệu thân nhân người lao động đi khám giám định.
- Đề nghị bổ sung quy định: Tổ chức BHXH thu hồi sổ BHXH sau khi giải quyết chế độ tử tuất để đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, tránh việc lạm dụng.
Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng (gồm cả tiền mai táng) đối với thân nhân người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, chết. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật