Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc
Nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc được quy định tại Tiểu mục 18 Mục III Phương án đơn giản hóa thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010 như sau:
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc, đủ tuổi nghỉ hưu với điều kiện làm việc bình thường và đủ tuổi nghỉ hưu do có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên” (mã số B-BXH-075856-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà nam từ đủ 50 tuổi trở lên, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên hoặc trường hợp không phụ thuộc tuổi đời do có đủ 15 năm làm nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại” (mã số B-BXH-075877-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp” (mã số B-BXH-075879-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc tại Công ty cổ phần do cổ phần hoá từ Công ty Nhà nước” (mã số B-BXH-075880-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, thuộc diện lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP” (mã số B-BXH-075884-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP” (mã số B-BXH-075891-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Đối tượng được duyệt mới hoặc ở tỉnh khác chuyển đến đăng ký lĩnh chế độ BHXH bằng thẻ ATM” (mã số B-BXH-075456-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện, mã số B-BXH-068951-TT và mã số B-BXH-068911-TT do BHXH cấp huyện thực hiện).
- Đề nghị gộp các thủ tục trên làm 01 thủ tục là “Giải quyết hưởng lương hưu đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.
a) Về hồ sơ:
Quy định rõ thành phần hồ sơ gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội (01 bản chính);
- Giấy đăng ký địa chỉ cư trú khi nghỉ hưu, nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (01 bản chính);
- Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí của người SDLĐ (02 bản chính);
- Đối với trường hợp hưởng chế độ hưu trí do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì có thêm Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (02 bản chính) hoặc đối với đối tượng hưởng chế độ hưu trí do bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì có thêm Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (bản chính hoặc bản sao – 02 bản);
- Trường hợp có nguyện vọng nhận lương hưu qua tài khoản tại ngân hàng có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức BHXH thì có thêm phiếu đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản (01 bản chính) theo mẫu của ngân hàng nếu người lao động chưa có thẻ ATM tại ngân hàng có hợp đồng/năm cung ứng dịch vụ với tổ chức BHXH.
b) Về trình tự thực hiện:
- Bước 1: Người SDLĐ lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, nộp cho tổ chức BHXH nơi người SDLĐ đóng BHXH; trường hợp người lao động nghỉ hưu thuộc đối tượng dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế thì nộp thêm bản sao Danh sách người lao động thuộc đối tượng dôi dư hoặc tinh giản biên chế nghỉ hưu được cấp có thẩm quyền phê duyệt (01 bản dùng chung cho cả đợt giải quyết chế độ hưu trí của người SDLĐ); đồng thời nhận phiếu đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản để chuyển cho người lao động có nguyện vọng nhận trợ cấp qua tài khoản tại ngân hàng có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức BHXH để kê khai.
- Bước 2: Tổ chức BHXH tiếp nhận hồ sơ theo phân cấp và chuyển BHXH tỉnh (đối với trường hợp hồ sơ do BHXH huyện tiếp nhận); BHXH cấp tỉnh xét duyệt chế độ và trả hồ sơ đã giải quyết cho BHXH huyện (nếu BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ) để trao cho người SDLĐ hoặc trực tiếp trao cho người SDLĐ (nếu BHXH tỉnh tiếp nhận hồ sơ) để trả cho người lao động kèm theo Thông báo của tổ chức BHXH về thời gian, địa điểm nơi nhận lương hưu hàng tháng; đồng thời tiếp nhận phiếu đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản tại ngân hàng do người lao động lập để cấp thẻ ATM cho người lao động.
c) Về mẫu đơn, mẫu tờ khai:
- Đề nghị ban hành mẫu Giấy đăng ký địa chỉ cư trú khi nghỉ hưu, nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo hướng có nội dung đề nghị nhận lương hưu qua tài khoản.
d) Vấn đề khác:
- Đề nghị bổ sung quy định: Tổ chức BHXH thu hồi sổ BHXH sau khi giải quyết chế độ hưu trí để đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, tránh việc lạm dụng.
- Đề nghị quy định thời hạn nộp hồ sơ cho tổ chức BHXH đối với người SDLĐ.
Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật