Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm ra sao đối với hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã?

Trách nhiệm của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đối với hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai trong lĩnh vực viễn thông. Trong quá trình làm việc, tôi có quan tâm và tìm hiểu về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay tài liệu, thông tin nói về lọai hình điểm bưu chính này rất ít. Cho tôi hỏi, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm ra sao đối với hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Vĩnh Thụy (thuy***@gmail.com)

Ngày 02/8/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 17/2013/TT-BTTTT quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Thông tư này quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã bao gồm: cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, các dịch vụ kinh doanh khác và tổ chức hoạt động đọc sách, báo chí, ấn phẩm (sau đây gọi tắt là sách, báo) tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã; tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển thông tin và truyền thông tại khu vực nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn.

Theo đó, trách nhiệm của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đối với hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Thông tư 17/2013/TT-BTTTT. Cụ thể như sau:

1. Thực hiện tổng rà soát và xây dựng quy hoạch hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã trên phạm vi toàn quốc trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

2. Tổ chức quản lý, duy trì và phát triển hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã theo định hướng và quy hoạch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

3. Nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo hiệu quả hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã trên cơ sở kết hợp nguồn lực của doanh nghiệp, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương và địa phương.

4. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

5. Thực hiện luân chuyển sách theo quy định.

6. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã đảm bảo đủ điều kiện để triển khai các hoạt động tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

7. Phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý thực hiện chương trình, dự án trong quá trình khảo sát, đề xuất lập dự án và triển khai thực hiện.

8. Triển khai tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã các chương trình, dự án đã được các cơ quan quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

9. Phối hợp với doanh nghiệp viễn thông trong việc lựa chọn điểm Bưu điện - Văn hóa xã làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng thuộc Chương trình viễn thông công ích.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đối với hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 17/2013/TT-BTTTT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào