Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc
Nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Tiểu mục 12 Mục III Phương án đơn giản hóa thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010 như sau:
- “Giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc, trong giờ làm việc” (mã số B-BXH-075793-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc” (mã số B-BXH-075809-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc” (mã số B-BXH-075819-TT do BHXH cấp tỉnh thực hiện).
- “Đối tượng nhận chế độ BHXH một lần qua tài khoản cá nhân” (mã số B-BXH-070558-TT do BHXH cấp huyện thực hiện).
- Đề nghị gộp các thủ tục trên làm 01 thủ tục và đặt tên thủ tục là “Giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với trường hợp bị tai nạn lao động lần đầu”.
a) Về hồ sơ:
Quy định rõ các loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ là bản chính hay bản sao có chứng thực:
- Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính);
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người SDLĐ (bản chính);
- Biên bản điều tra tai nạn lao động (bản chính);
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (bản chính);
- Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);
- Đối với trường hợp tai nạn xảy ra trên đường được xác định là tai nạn lao động thì có thêm bản chính (01 bản) hoặc bản sao có chứng thực (01 bản) của một trong các giấy tờ sau:
+ Biên bản khám nghiệm trường và sơ đồ hiện trường vụ TNGT đối với trường hợp bị tai nạn giao thông;
+ Biên bản giải quyết vụ tai nạn hoặc biên bản tai nạn do công an xã lập đối với các trường hợp tai nạn không phải là tai nạn giao thông;
+ Bản tường trình có xác nhận của người làm chứng và của công an nơi xảy ra vụ tai nạn không phải là tai nạn giao thông.
- Đối với trường hợp được cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt hoặc dụng cụ chỉnh hình thì có thêm các giấy tờ sau:
+ Chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (bản chính).
+ Vé tàu, xe đi và về một lần (nếu có) theo giá quy định của Nhà nước với phương tiện giao thông như xe khách, tàu hoả, tàu thuỷ từ nơi cư trú đến cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng gần nhất.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
b) Trình tự thực hiện:
Quy định cụ thể:
- Bước 1: Người lao động nộp Giấy ra viện (nếu có), Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động cho người sử dụng lao động và tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thêm: Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông, chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng hoặc của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên, vé tàu xe.
- Bước 2: Người SDLĐ tập hợp hồ sơ từ người lao động, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để nộp cho tổ chức BHXH nơi người SDLĐ đóng BHXH.
- Bước 3: Tổ chức BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người SDLĐ, giải quyết và trả kết quả cho người SDLĐ để lưu trữ (01 bộ) và trao cho người lao động (01 bộ); chi trả tiền trợ cấp vào tài khoản do người lao động đăng ký.
c) Về mẫu đơn, mẫu tờ khai
- Đề nghị sửa mẫu văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động (Mẫu số 05-HSB): Bổ sung vào khoản 2 (Thông tin về người bị TNLĐ-BNN) nội dung về số chứng minh nhân dân, về nơi cư trú và số lần bị TNLĐ/BNN, về nội dung đề nghị nhận trợ cấp qua tài khoản; gộp các khoản 3, 4, 5, 6, 7 thành một khoản với nội dung “Tóm tắt quá trình bị TNLĐ/BNN của người lao động, trong đó nêu tóm tắt về địa điểm, thời gian, tình trạng xảy ra TNLĐ/BNN, quá trình điều trị thương tật/bệnh tật, giám định khả năng lao động…
d) Vấn đề khác:
- Đề nghị quy định thời hạn người SDLĐ phải nộp hồ sơ cho tổ chức BHXH.
- Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an có hướng dẫn thay thế Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông trong trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động nhưng vì các lý do khác nhau không lập được Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông; đồng thời hướng dẫn việc cấp bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông cho người lao động bị tai nạn.
- Đề nghị có hướng dẫn bổ sung về thủ tục hồ sơ đối với trường hợp tai nạn xảy ra trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc mà không phải là tai nạn giao thông.
Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc giải quyết trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật