Chế độ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo của Công an nhân dân

Chế độ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo của Công an nhân dân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hữu Toàn, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, chế độ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo của Công an nhân dân được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Hữu Toàn (huutoan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 12/2015/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì chế độ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo của Công an nhân dân được quy định cụ thể như sau:

- Sau khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền của mình thì người giải quyết tố cáo phải tổ chức kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo và các nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Tố cáo để quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết.

- Đối với tố cáo thuộc các trường hợp không thụ lý giải quyết được quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo theo mẫu quy định.

- Đối với tố cáo đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì đơn vị chức năng hoặc người đã kiểm tra, xác minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này báo cáo, đề xuất trình người giải quyết tố cáo xem xét, quyết định việc thụ lý giải quyết tố cáo.

- Đối với tố cáo tiếp thuộc trường hợp không giải quyết lại được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết về việc không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp và đề nghị chấm dứt việc tố cáo.

- Trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì yêu cầu phải cử người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo năm 2011; việc kiểm tra họ tên, địa chỉ người tố cáo, liên hệ với người tố cáo, gửi thông báo thụ lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo được thực hiện với người đại diện của người tố cáo.

- Không thụ lý giải quyết đối với đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ và không có chữ ký hoặc không có điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo.

- Trường hợp nội dung tố cáo trong đơn không ghi họ tên, địa chỉ, không có chữ ký hoặc không có điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo nhưng có nội dung tố cáo cụ thể, rõ ràng có đủ cơ sở để kiểm tra hoặc xác minh, kết luận thì giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác tiến hành thanh tra hành chính đột xuất theo quy định tại Điều 37 của Luật Thanh tra.

- Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không đồng ý với kết luận nội dung tố cáo và cung cấp thông tin tài liệu, bằng chứng về việc giải quyết tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đã kết luận nội dung tố cáo giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng cùng cấp xem xét, kiểm tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này; trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo không đồng ý nhưng không có tài liệu, bằng chứng gì mới thì không thụ lý giải quyết. Việc không thụ lý giải quyết được thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết.

Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo của Công an nhân dân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 12/2015/TT-BCA.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công an nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào