Chế độ giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất thì chế độ giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể như sau:
- Người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính với tổ chức, cá nhân dẫn giải người vi phạm đó đến hoặc phân công cho người đang thi hành nhiệm vụ tiến hành lập biên bản giao, nhận.
- Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính phải ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bên giao, bên nhận; họ, tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của người có hành vi vi phạm; hành vi vi phạm; thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm; tình trạng sức khỏe, thái độ của người có hành vi vi phạm, tang vật, tài sản của họ (nếu có) và những tình tiết khác có liên quan đến việc giao, nhận người vi phạm; trường hợp có người làm chứng, người bị thiệt hại thì phải ghi rõ nội dung sự việc mà họ được làm chứng, những thiệt hại do người có hành vi vi phạm gây ra; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, người bị thiệt hại. Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận và của người có hành vi vi phạm, người bị thiệt hại, người làm chứng (nếu có); người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ký tên vào biên bản giao, nhận người vi phạm. Trường hợp người vi phạm, người bị thiệt hại, người làm chứng từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính phải lập thành hai bản và đọc cho mọi người tham gia ký biên bản nghe; bên nhận, bên giao mỗi bên giữ một bản.
- Ngay sau khi hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện, ngăn chặn và đã lập biên bản về hành vi vi phạm hoặc sau khi lập biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính, nếu xét thấy phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ra ngay quyết định tạm giữ.
Trường hợp không đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì phải trả tự do ngay cho người đó và trả lại toàn bộ phương tiện, tài sản, giấy tờ (nếu có) cho họ nếu các phương tiện, tài sản, giấy tờ này không thuộc diện bị áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 112/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật