Nội dung chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Nội dung chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập, tôi là Lan Anh, đang tìm hiểu quy định của pháp luật về những quy định của pháp luật về việc quản lý nguồn tài chính của các cơ quan bảo hiểm xã hội, nhưng có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp, cụ thể như sau: Nội dung chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu nội dung này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ các bạn, chân thành cảm ơn!

Nội dung chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy tại Khoản 5 Điều 9 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:

a) Chi phí thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu bảo hiểm y tế của người tham gia theo hộ gia đình, của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gồm: chi đào tạo, tập huấn, thù lao cho đại lý thu). Mức chi bằng 7% số tiền đóng của người tham gia, trừ số thu do ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Mức chi cụ thể đối với từng nhóm đối tượng tham gia và của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; trong đó, mức chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu bằng 75% mức chi do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định;

b) Chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng 0,78% số tiền chi trả từ các quỹ thành phần: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất (trừ các khoản chi: Phí khám giám định; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; đóng bảo hiểm y tế) và chi trợ cấp thất nghiệp. Mức chi cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mức chi cho tổ chức làm đại lý chi trả thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định này;

c) Chi phí chuyển tiền trả cho Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại;

d) Chi phí in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo;

đ) Chi trang phục y tế theo quy định của Bộ Y tế cho giám định viên bảo hiểm y tế làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, định mức 02 bộ/người/năm;

e) Chi hỗ trợ cước phí điện thoại cho một số chức danh và vị trí công tác trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài đối tượng được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng, trang bị điện thoại di động theo quy định của pháp luật, tối đa không quá 250.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể và đối tượng hỗ trợ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng;

g) Chi các hoạt động phối hợp tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Hỗ trợ công tác phối hợp chỉ đạo, chế độ công tác phí, làm đêm, thêm giờ, chi phí xăng xe hoặc thuê phương tiện phục vụ công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ.

Trên đây là nội dung câu trả lời về nội dung chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc tại Quyết định 60/2015/QĐ-TTg .

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào