Việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như thế nào?
Việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:
a) Trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng;
b) Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
c) Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại điểm a và b Khoản này gửi cơ quan bảo hiểm xã hội trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an để thống nhất thực hiện.
Trên đây là nội dung câu trả lời về thực hiện việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc tại Quyết định 60/2015/QĐ-TTg .
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật