Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự được thực hiện ra sao?

Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về hoạt động tạm giữ, tạm giam cũng như chế độ áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài thì việc tổ chức cho họ tiếp xúc lãnh sự được thực hiện ra sao? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Tiến Dũng (dung***@gmail.com)

Ngày 06/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Nghị định này quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (gọi chung là chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.

Theo đó, việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 13 Nghị định 120/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Tiếp xúc lãnh sự là hoạt động của viên chức ngoại giao, lãnh sự thuộc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch đến thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự.

2. Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu về tiếp xúc lãnh sự. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công dân nước mình phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị gồm:

a) Tên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự gửi văn bản;

b) Họ và tên, quốc tịch người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần tiếp xúc lãnh sự;

c) Cơ sở đang giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

d) Họ và tên, chức vụ, số hộ chiếu hoặc số thẻ ngoại giao của những người đến tiếp xúc lãnh sự;

đ) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);

e) Nội dung tiếp xúc lãnh sự và các đề nghị khác (nếu có).

3. Khi có đề nghị tiếp xúc lãnh sự, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo nội dung tiếp xúc lãnh sự cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu liên hệ với cơ quan thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ tổ chức tiếp xúc lãnh sự.

Trường hợp không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự thì cơ quan đang thụ lý vụ án trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự.

4. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc tiếp xúc lãnh sự.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 120/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào