Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích là bao nhiêu?
Ngày 06/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Nghị định này quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (gọi chung là chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.
Theo đó, định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 120/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 02 lần so với tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Cũng theo quy định này, định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam bình thường gồm: 17 kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5 kg đường loại trung bình, 15 kg rau, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1 kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than, 45 kw/h điện, 3 m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 120/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật