Công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành đại hội công đoàn các cấp
Theo quy định tại Mục B Hướng dẫn 398/HD-TLĐ năm 2012 về công tác nhân sự ban chấp hành tại đại hội công đoàn các cấp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
I- Thành lập tiểu ban nhân sự.
1. Ban thường vụ quyết định thành lập tiểu ban nhân sự đại hội gồm:
+ Chủ tịch (trưởng tiểu ban).
+ Các phó chủ tịch (phó tiểu ban).
+ Trưởng ban tổ chức (ủy viên thường trực).
+ Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
+ Một số ủy viên ban thường vụ (nếu cần).
Tiểu ban nhân sự có nhiệm vụ giúp ban thường vụ xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóamới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự; triển khai thực hiện quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự, lập danh sách nhân sự dự kiến tham gia ban chấp hành khóa mới; làm việc với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể liên quan trong công tác chuẩn bị nhân sự.
Ban Tổ chức (hoặc cán bộ làm công tác tổ chức) giúp tiểu ban nhân sự thực hiện các công việc của tiểu ban.
2. Xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự.
- Ban thường vụ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự.
- Hội nghị ban chấp hành thông qua phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự. Giao cho ban thường vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện.
II- Qui trình giới thiệu nhân sự ban chấp hành:
1. Ban thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) triệu tập hội nghị cán bộ để phổ biến, quán triệt chủ trương tiến hành đại hội, phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, kế hoạch và quy trình giới thiệu nhân sự.
2. Lấy ý kiến giới thiệu của các ủy viên ban chấp hành (lần 1).
Ban thường vụ gửi phiếu hỏi ý kiến, kèm theo danh sách ban chấp hành đương nhiệm, đề nghị từng ủyviên ban chấp hành cho ý kiến về các vấn đề sau:
- Bản thân mình có tiếp tục tham gia hay không tham gia ban chấp hành khóa mới. (lý do).
- Đề xuất ý kiến của mình về các ủy viên ban chấp hành đương nhiệm tiếp tục tham gia, hoặc không tiếp tục tham gia ban chấp hành khóa mới.
- Giới thiệu nhân sự ngoài ban chấp hành đương nhiệm tham gia ban chấp hành khóa mới.
3. Lấy ý kiến giới thiệu của các cấp Công đoàn.
3.1. Căn cứ phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới, tiểu ban nhân sự dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu nhân sự giới thiệu tham gia ban chấp hành, trình ban thường vụ thông qua và chỉ đạo các cấp công đoàn giới thiệu. Số lượng đề nghị giới thiệu phải nhiều hơn số lượng ban chấp hành mới là 10%.
- Ban thường vụ gửi yêu cầu giới thiệu nhân sự đến các cấp công đoàn có cơ cấu để tiến hành giới thiệu nhân sự.
3.2. Tổ chức hội nghị lấy phiếu giới thiệu nhân sự.
- Từng cấp công đoàn có cơ cấu được phân bổ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt (ban chấp hành; ủy bankiểm tra; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc và tương đương, v.v...) giới thiệu người tham gia ban chấp hành.
Các hội nghị lấy ý kiến giới thiệu của cấp nào do ban thường vụ công đoàn cấp đó triệu tập và chủ trì.
- Nội dung các hội nghị lấy ý kiến:
+ Quán triệt mục đích, yêu cầu, phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa mới; hướng dẫn ghi phiếu, bỏ phiếu giới thiệu; thảo luận làm rõ các vấn đề liên quan được hội nghị đặt ra.
+ Từng đồng chí được hỏi ý kiến lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và điều kiện, phù hợp với cơ cấu, tiêu biểu cho địa phương, ngành, đơn vị để ghi vào phiếu theo mẫu in sẵn. Sau đó bỏ vào phong bì riêng dán kín, bỏ vào hòm phiếu hoặc gửi tiểu ban nhân sự theo hướng dẫn.
Sau khi tập hợp danh sách giới thiệu, ban thường vụ cấp triệu tập báo cáo xin ý kiến cấp ủy đảng cùng cấp và gửi danh sách giới thiệu chính thức về tiểu ban nhân sự đại hội cấp trên.
Riêng hội nghị cán bộ cơ quan liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, có thể giao cho thủ trưởng cơ quan và ban chấp hành công đoàn cơ quan phối hợp chủ trì. Đối tượng lấy phiếu giới thiệu có thể từ chuyên viên hoặc chuyên viên chính trở lên. Các phiếu giới thiệu, biên bản hội nghị được bỏ vào phong bì, dán kín gửi tiểu ban nhân sự đại hội.
- Chú ý: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến giới thiệu là chính. Trường hợp các đối tượng lấy ý kiến làm việc ở nhiều địa phương, phân tán, khó tổ chức hội nghị thì có thể gửi công văn nói rõ yêu cầu, kèm theo phiếu lấy ý kiến đến từng người.
4. Tổng hợp kết quả giới thiệu:
- Tiểu ban nhân sự tổng hợp báo cáo tình hình kết quả giới thiệu nhân sự, lập danh sách người được giới thiệu tham gia ban chấp hành báo cáo ban thường vụ.
- Tổ chức hội nghị ban thường vụ để xem xét báo cáo của tiểu ban nhân sự báo cáo kết quả lấy ý kiến các ủy viên ban chấp hành, kết quả giới thiệu cửa các cấp CĐ; thảo luận và thông qua danh sách người được giới thiệu để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đồng cấp, công đoàn cấp trên trước khi lấy ý kiến ban chấp hành lần 2
5. Lấy ý kiến giới thiệu nhân sự trong ban chấp hành (lần 2).
Ban thường vụ triệu tập hội nghị ban chấp hành, để thực hiện các công việc:
- Ban thường vụ báo cáo danh sách và lý do các ủy viên ban chấp hành đương nhiệm tiếp tục tham gia hoặc không tiếp tục tham gia khóa mới, Kết quả giới thiệu của các cấp công đoàn và danh sách tổng hợp nhân sự được giới thiệu. Đề nghị các ủy viên ban chấp hành lựa chọn người tham gia ban chấp hành, đồng thời giới thiệu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch.
- Căn cứ phương hướng cấu tạo ban chấp hành khóa tới, trên cơ sở danh sách nhân sự được giới thiệu, từng ủy viên ban chấp hành lựa chọn, giới thiệu (bằng phiếu) người tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch.
- Chú ý: Sau khi kiểm phiếu, nếu danh sách tập hợp được phù hợp với số lượng dự kiến thì đó chính là danh sách mà ban chấp hành giới thiệu ra đại hội. Nếu danh sách chưa tập trung thì ban chấp hành phải tiến hành bỏ phiếu lựa chọn tiếp cho đến khi danh sách phù hợp với số lượng dự kiến.
6. Sau khi có danh sách giới thiệu chính thức (ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch khóamới), ban thường vụ tiến hành các việc:
- Báo cáo ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng đồng cấp, ban thường vụ công đoàn cấp trên (Đoàn Chủ tịch TLĐ) cho ý kiến về nhân sự để hoàn chỉnh trước khi tiến hành đại hội.
- Hoàn chỉnh báo cáo cấu tạo ban chấp hành, báo cáo chuẩn bị nhân sự và danh sách nhân sự để trình ra đại hội. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ nhân sự được giới thiệu; xử lý dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo…; để chuẩn bị trình đại hội khi có yêu cầu.
7. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành cùng đồng thời chuẩn bị nhân sự UBKT khóa mới.
III- Công tác nhân sự trong đại hội.
1. Ban chấp hành báo cáo tại đại hội các vấn đề về nhân sự ban chấp hành khóa mới, gồm:
- Phương hướng cấu tạo ban chấp hành để đại hội xem xét, thông qua.
- Quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành và danh sách nhân sự do ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu để đại hội tham khảo (không đọc danh sách tại hội trường mà chuyển danh sách về các tổ thảo luận).
2. Đại hội thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử ban chấp hành:
- Chia tổ thảo luận (phân công tổ trưởng, tổ phó, thư ký).
- Căn cứ phương án cấu tạo ban chấp hành khóa mới được đại hội thông qua, tham khảo danh sách nhân sự do ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu, từng tổ tiến hành đề cử, ứng cử và thảo luận, thống nhất danh sách để cử, ứng cử.
- Tập hợp kết quả giới thiệu của các tổ. Nếu danh sách giới thiệu phù hợp với số lượng đại hội thông qua thì kết thúc thảo luận tổ. Nếu danh sách nhiều hơn so với số lượng quy định thì các tổ thảo luận tiếp để thu gọn lại (chỉ đối với các tổ mà nhân sự chưa tập trung theo số lượng đại hội đã thông qua).
3. Đoàn chủ tịch đại hội tổng hợp danh sách những người ứng cử, và được đề cử vào ban chấp hành để Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử (Danh sách bầu cử xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và phải nhiều hơn số lượng được bầu ít nhất 10%).
4. Việc tổ chức bầu ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thực hiện theo quy định của điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X.
Trên đây là nội dung tư vấn về công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành đại hội công đoàn các cấp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Hướng dẫn 398/HD-TLĐ năm 2012.
Trân trọng!