Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực hiện ra sao?

Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong quá trình công tác, tôi có tìm hiểu thêm về hoạt động giám định tư pháp trong ngành. Tuy nhiên, một vài vấn đề tôi chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, hiện nay, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định tư pháp được thực hiện ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Thành Đạt (dat***@gmail.com)

Ngày 08/8/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 33/2014/TT-BGTVT về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động giám định và chi phí thực hiện giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đó, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 9 Thông tư 33/2014/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:

1. Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp. Chỉ nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định hợp lệ, đúng đối tượng trưng cầu, yêu cầu và đúng đối tượng được trưng cầu, yêu cầu.

2. Khi tiếp nhận đối tượng cần giám định, tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có) trong tình trạng niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra niêm phong. Quá trình mở niêm phong phải có mặt người thực hiện giám định; người trưng cầu, yêu cầu giám định và người chứng kiến (nếu có). Mọi thông tin, diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong phải được ghi vào biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên tham gia, chứng kiến theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

3. Đối với trưng cầu, yêu cầu giám định không hợp lệ thì cá nhân hoặc tổ chức được trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định phải có văn bản trả lại cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu và nêu rõ lý do.

4. Khi việc thực hiện giám định hoàn thành, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có trách nhiệm giao lại đối tượng giám định cho cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 33/2014/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào