Kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông theo đề án xây dựng giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc
Kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông theo đề án xây dựng giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc được quy định tại Tiểu mục 2 Mục III Quyết định 2682/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt Đề án “Xây dựng giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, cụ thể như sau;
- Tiến hành thẩm định an toàn giao thông cho tất cả các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác; thẩm định an toàn giao thông cho các tuyến trước khi đưa vào khai thác; các dự án đang được xây dựng phải được thẩm định an toàn giao thông ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Tăng cường công tác thẩm định an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc”.
- Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa bảo đảm độ bằng phẳng và độ nhám mặt đường theo quy định hiện hành.
- Rà soát, bảo đảm tất cả các tuyến đường bộ cao tốc có phương án tổ chức giao thông được phê duyệt.
- Xây dựng và lắp đặt hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc hiện đang khai thác. Hệ thống phải tích hợp đủ điều kiện cho việc xử lý vi phạm thông qua hình ảnh của cảnh sát giao thông, kể cả trong điều kiện ban đêm.
- Các dự án xây dựng đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải có thiết kế đồng bộ hệ thống giao thông thông minh, các trạm dừng nghỉ, trạm dịch vụ và các trạm cứu hộ, cứu nạn.
- Nghiên cứu áp dụng hệ thống tốc độ giới hạn thay đổi (sử dụng biển báo điện tử thay đổi tốc độ giới hạn tùy theo điều kiện thực tế về đường, thời tiết hoặc các sự cố giao thông); áp dụng chức năng xử lý, cảnh báo từ xa sự cố trên toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc, việc đóng làn đường, cảnh báo, hướng dẫn chuyển làn, giảm tốc độ v.v...trong hệ thống giao thông thông minh; bắt đầu vào đường cao tốc phải có một số biển điện tử đặt trên giá long môn cảnh báo những nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông (chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn, không thắt dây an toàn…).
- Rà soát lại việc cắm các biển báo giới hạn tốc độ tại trạm thu phí (60 km/h, 80 km/h) trên các tuyến đường bộ cao tốc, các biển giới hạn tốc độ tại khu vực vào trạm thu phí phải được đặt trên giá long môn (hoặc cột cần vươn) và đảm bảo cự ly chuyển tốc theo các giá trị giảm dần tốc độ từng cấp 20 km/h.
- Áp dụng hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc.
- Đối với các dự án xây dựng mới nên xem xét bố trí trạm dịch vụ hai bên đường liên thông bằng hầm chui hoặc cầu vượt; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ phương tiện như đổ nước mui, sửa chữa phương tiện hư hỏng v.v...tại các trạm dịch vụ.
- Ứng dụng các trang thiết bị nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc như lắp đặt các hộp hấp thụ lực (hộp giảm chấn) tại các vị trí dễ gây tai nạn như đường nhánh, đường rẽ...
- Hoàn thiện quy hoạch và xây dựng các đường gom dọc các tuyến đường bộ cao tốc và các điểm đấu nối của đường gom vào đường cao tốc.
- Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các trạm dịch vụ trên hệ thống đường bộ cao tốc.
Trên đây là nội dung câu trả lời về kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông theo đề án xây dựng giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 2682/QĐ-BGTVT năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật