Xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng được quy định như thế nào?
Xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng được thực hiện theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, như sau:
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:
a) Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm) và qua các điểm giao dịch của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà khách hàng đã cung cấp cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Xây dựng mẫu giấy đề nghị tra soát, khiếu nại để khách hàng sử dụng khi đề nghị tra soát, khiếu nại. Trường hợp tiếp nhận thông tin qua tổng đài điện thoại, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu khách hàng bổ sung giấy đề nghị tra soát, khiếu nại theo mẫu trong thời gian quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm căn cứ chính thức để xử lý tra soát, khiếu nại. Trường hợp ủy quyền cho người khác đề nghị tra soát, khiếu nại, khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền;
c) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận và quy định cụ thể về thời hạn khách hàng được quyền đề nghị tra soát, khiếu nại nhưng không ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại.
2. Thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại:
a) Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng theo một một trong các hình thức tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng;
b) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của khách hàng và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
c) Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm a khoản này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý tra soát, khiếu nại.
3. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn); đồng thời, thông báo bằng văn bản cho khách hàng về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại. Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.
4. Trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng và các bên liên quan không thỏa thuận được và/hoặc không đồng ý với quá trình đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật