Trách nhiệm của chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa

Trách nhiệm của chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Lê Hữu Toàn, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa. Cho tôi hỏi, trách nhiệm của chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Lê Hữu Toàn (huutoan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 13 Quyết định 51/2015/QĐ-TTg về quy định tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì trách nhiệm của chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa được quy định cụ thể như sau:

- Chỉ huy hiện trường được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định có trách nhiệm:

+ Trực tiếp chỉ huy và huy động các lực lượng tham gia triển khai phương án tìm kiếm, cứu nạn theo tình huống cụ thể tại hiện trường;

+ Thống nhất chỉ huy bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn;

+ Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

+ Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

+ Báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi phương án tổ chức tìm kiếm, cứu nạn hoặc tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; việc thay đổi phương án tổ chức tìm kiếm, cứu nạn hoặc việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;

+ Được quyền điều chỉnh phương án tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn, sau đó phải báo cáo với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian sớm nhất.

- Trường hợp tại nơi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa mà chưa có chỉ huy hiện trường thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phát hiện và đến sớm nhất là chỉ huy hiện trường tạm thời và thực hiện ngay việc báo cáo cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn cho đến khi có chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn.

- Trường hợp vượt quá khả năng huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn hoặc chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn tạm thời phải báo cáo ngay cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc chính quyền địa phương gần nhất hoặc các cơ quan liên quan trợ giúp.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 51/2015/QĐ-TTg.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào