Điều chỉnh thiết kế và dự toán công trình xây dựng Bảo hiểm xã hội
Điều chỉnh thiết kế và dự toán công trình xây dựng Bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 5 Điều 19 Quyết định 26/QĐ-BHXH năm 2014 về quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Thay đổi thiết kế công trình
Thay đổi thiết kế công trình: Thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, cụ thể:
* Thiết kế xây dựng công trình đã phê duyệt được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
- Khi dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;
- Trong quá trình thi công xây dựng công trình phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án.
* Đối với công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước, khi điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy hoạch xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công trình thì chủ đầu tư phải trình BHXH Việt Nam thẩm định, phê duyệt lại nội dung điều chỉnh. Trường hợp còn lại, chủ đầu tư báo cáo BHXH Việt Nam bằng văn bản những nội dung điều chỉnh thiết kế và chỉ được thực hiện phê duyệt điều chỉnh khi BHXH Việt Nam có ý kiến bằng văn bản về những nội dung điều chỉnh. Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm tra, thẩm định, phê duyệt lại theo quy định.
* Nhà thầu thiết kế có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các thiết kế bất hợp lý do lỗi của mình gây ra và có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh thiết kế bất hợp lý của chủ đầu tư.
* Chủ đầu tư có quyền thuê nhà thầu thiết kế khác thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế ban đầu không thực hiện các việc này. Nhà thầu thiết kế thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế phải chịu trách nhiệm về những nội dung do mình thực hiện.
b) Điều chỉnh dự toán công trình
Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, cụ thể:
* Dự toán công trình được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
- Các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP;
- Các trường hợp được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư công trình đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng.
* Dự toán công trình điều chỉnh được xác định theo phương pháp bù trừ trực tiếp, phương pháp hệ số điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh bằng chỉ số giá xây dựng và các phương pháp khác. Giá trị phần điều chỉnh theo trường hợp nêu tại Điểm a, Khoản 4 Điều này được xác định riêng khi thực hiện bổ sung vào dự toán điều chỉnh (nếu có).
* Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán công trình điều chỉnh. Đối với các công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, nếu giá trị dự toán công trình điều chỉnh không vượt giá trị dự toán đã được người quyết định đầu tư phê duyệt thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt; trường hợp vượt tổng dự toán đã được người quyết định đầu tư phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư trước khi tổ chức thẩm định dự toán và trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
Việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán cho công trình trước khi thực hiện chủ đầu tư phải báo cáo BHXH Việt Nam bằng văn bản và chỉ được thực hiện khi BHXH Việt Nam có ý kiến bằng văn bản.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc điều chỉnh thiết kế và dự toán công trình xây dựng Bảo hiểm xã hội theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 26/QĐ-BHXH năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật