Chế độ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ

Chế độ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Lê Thành Tâm, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Cho tôi hỏi, chế độ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Lê Thành Tâm (thanhtam*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 03/2017/TT-BTTTT hướng dẫn Nghị định 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thì chế độ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được quy định cụ thể như sau:

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ bao gồm:

+ Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin;

+ Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

- Đơn vị chủ trì kiểm tra là một trong những đơn vị sau đây:

+ Cục An toàn thông tin;

+ Đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin.

- Kế hoạch kiểm tra định kỳ bao gồm các nội dung sau:

+ Danh sách các đơn vị, hệ thống thông tin (nếu có) sẽ tiến hành kiểm tra;

+ Phạm vi và nội dung kiểm tra;

+ Thời gian tiến hành kiểm tra;

+ Đơn vị phối hợp kiểm tra (nếu có).

- Quyết định kiểm tra được lập sau khi kế hoạch kiểm tra định kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc khi có kiểm tra đột xuất của cấp có thẩm quyền.

- Đối với kiểm tra định kỳ:

+ Đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm sau trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện;

+ Trường hợp có thay đổi so với kế hoạch kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra định kỳ điều chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh;

+ Kế hoạch kiểm tra định kỳ được gửi cho đối tượng kiểm tra và cơ quan cấp trên của đối tượng kiểm tra trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày được phê duyệt nhưng tối thiểu 10 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.

- Đối với kiểm tra đột xuất:

Căn cứ yêu cầu kiểm tra đột xuất, quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy định các nội dung kiểm tra cho phù hợp.

- Sau khi kết thúc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho đối tượng kiểm tra biết và bàn giao tài liệu, trang thiết bị sử dụng (nếu có) trong quá trình kiểm tra.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm dự thảo Báo cáo kiểm tra, gửi cho đối tượng kiểm tra để lấy ý kiến. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo Báo cáo kiểm tra, đối tượng kiểm tra có trách nhiệm có ý kiến đối với các nội dung dự thảo.

- Trên cơ sở dự thảo Báo cáo kiểm tra, ý kiến tiếp thu giải trình của đối tượng kiểm tra, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại cơ sở, Đoàn kiểm tra hoàn thiện Báo cáo kiểm tra và dự thảo kết luận kiểm tra trình cấp có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra xem xét, phê duyệt.

Kết luận kiểm tra phải gửi cho đối tượng kiểm tra và cơ quan quản lý cấp trên của đối tượng kiểm tra (nếu có) và các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết).

Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 03/2017/TT-BTTTT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào