Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo Bộ luật tố tụng dân sự
Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo Bộ luật tố tụng dân sự được hiểu theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
Người khởi kiện không có quyền khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Ví dụ: Tổ chức A (không phải là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) cho rằng Công ty B bán hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng như đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết dẫn đến việc chị C (người tiêu dùng) mua sử dụng bị thiệt hại nên Tổ chức A làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B bồi thường thiệt hại cho chị C. Trường hợp này, Tổ chức A không có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo Bộ luật tố tụng dân sự theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật