Lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công như thế nào?

Lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập. Hiện tại tôi đang muốn tìm hiểu những quy định liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu có một vài nội dung tôi chưa rõ lắm. Vì vậy, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công được lập và trình duyệt như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Thanh Tú (tu***@gmail.com)

Lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công được quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BNNPTNT quy định về công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như sau:

Chủ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm tổ chức lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gọi tắt là KHLCNT) theo quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các quy định sau:

1. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt hoặc Hiệp định đã ký kết (đối với dự án ODA), bảo đảm tính đồng bộ của dự án; các gói thầu có quy mô hợp lý, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, đặc thù công trình, quy định trong nước và quy định của Nhà tài trợ.

2. Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán được phê duyệt (nếu có). Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu (gồm cả chi phí dự phòng, thuế, phí và lệ phí). Trong đó, chi phí dự phòng bao gồm dự phòng cho phát sinh khối lượng (tính theo tỷ lệ phần trăm (%) và phù hợp với bước thiết kế khi lập KHLCNT), dự phòng cho yếu tố trượt giá (được tính theo thời gian, tiến độ thực hiện gói thầu) và phù hợp với loại hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp giá gói thầu xác định cao hơn so với giá trị hạng mục được duyệt trong tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự phòng cho hạng mục), trước khi phê duyệt giá gói thầu làm căn cứ trình người quyết định đầu tư phê duyệt KHLCNT, chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư và giải trình rõ nguyên nhân, đề xuất nguồn kinh phí sử dụng cho phần tăng đó của gói thầu đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Trường hợp gói thầu được ghép từ nhiều hạng mục hoặc một hạng mục trong tổng mức đầu tư được chia thành nhiều gói thầu hoặc trường hợp gói thầu có thể phân chia thành các phần việc (đối với dự án trong nước) hoặc lô (đối với dự án ODA) riêng biệt theo tính chất công việc thì chủ đầu tư phải nêu rõ lý do, nội dung công việc và giá trị từng hạng mục, phần việc hoặc lô đó trong KHLCNT.

3. Hình thức lựa chọn nhà thầu: Chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Tùy theo tính chất, đặc điểm, giá gói thầu, chủ đầu tư, chủ dự án lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, trong đó phải giải trình rõ lý do và điều kiện áp dụng để người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Phương thức lựa chọn nhà thầu: Chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện theo quy định tại các Điều 28, 29, 30 và 31 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, việc đề xuất phương thức lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất và yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.

5. Loại hợp đồng: Chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và nêu rõ cơ sở, điều kiện lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm gói thầu. Hợp đồng trọn gói được áp dụng trong các trường hợp:

a) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn đơn giản (gồm tư vấn lập HSMT đánh giá HSDT, quy đổi vốn đầu tư...) và dịch vụ phi tư vấn đơn giản,

b) Gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng;

c) Gói thầu xây lắp, gói thầu hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng;

6. Trường hợp cần thiết phải bổ sung gói thầu để thực hiện một hay nhiều hạng mục bổ sung trong quá trình triển khai dự án, công trình nhưng các hạng mục này chưa được duyệt trong dự án đầu tư hoặc kinh phí chưa được xác định trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình thì chủ đầu tư tạm tính giá gói thầu, đề xuất nguồn vốn để thực hiện gói thầu và trình người có thẩm quyền xem xét quyết định phê duyệt KHLCNT làm căn cứ tổ chức thực hiện. Việc thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu thực hiện theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

7. Đối với các dự án ODA: Chủ đầu tư, chủ dự án căn cứ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này để lập KHLCNT làm căn cứ đàm phán với Nhà tài trợ khi ký kết Hiệp định.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 39/2015/TT-BNNPTNT.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Dự án đầu tư

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào