Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình của Bảo hiểm xã hội
Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình của Bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 3 Quyết định 26/QĐ-BHXH năm 2014 về quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:
1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống BHXH Việt Nam được phân loại theo quy mô và tính chất dự án theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình làm cơ sở để xác định thủ tục, trình tự thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.
2. Phân loại theo tính chất dự án đầu tư xây dựng công trình, gồm có
a) Dự án đầu tư xây dựng mới, gồm có: Trụ sở làm việc; các công trình phụ trợ như nhà để xe, trạm biến áp... và các hạng mục tương tự khác (nếu có);
b) Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng: Nhằm bổ sung, nâng cấp một số hạng mục, tăng giá trị tài sản (tăng quy mô đã đầu tư) để nâng cao chất lượng sử dụng công trình, tăng công suất so với thiết kế ban đầu hoặc vẫn giữ nguyên công suất thiết kế ban đầu nhưng làm thay đổi kết cấu, kiến trúc công trình. Thuộc loại này là các dự án đầu tư để mở rộng diện tích làm việc, lắp đặt thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy và các hạng mục khác có tính chất tương tự;
c) Dự án cải tạo, sửa chữa: Nhằm duy trì hoạt động theo công suất thiết kế ban đầu. Thuộc loại này là các dự án cải tạo, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn trụ sở làm việc và các công trình xây dựng khác mà việc cải tạo, sửa chữa này không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và công suất thiết kế ban đầu của công trình.
3. Phân loại theo nguồn vốn đầu tư
a) Vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (nếu có);
b) Vốn đầu tư phát triển của BHXH Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình của Bảo hiểm xã hội theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 26/QĐ-BHXH năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật