Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn

Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập. Tôi đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Công đoàn, hiện tại tôi đang muốn tìm hiểu những quy định về tổ chức công đoàn Việt Nam, đặc biệt là những quy định liên quan đến vấn đề tài chính công đoàn vì trong quá trình tìm hiểu có một số vấn đề mà tôi chưa rõ lắm. Chính vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Việc phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo nội dung này ở đâu? Rất mong nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập. Nguyễn Tùng (tung***@gmail.com)

Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn được quy định tại Điều 19 và Điều 20 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 như sau:

Điều 19. Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn

Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng cho tổ chức công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn. Tổng Liên đoàn thống nhất thu và phân cấp cho các cấp công đoàn thu kinh phí công đoàn như sau:

1. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương thu đối với các đơn vị do mình quản lý trực tiếp và thông báo cho đối tượng đóng kinh phí công đoàn để thực hiện; đồng thời thông báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố hoặc Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để phối hợp thu.

2. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước có công đoàn cơ sở hoặc chưa thành lập công đoàn cơ sở

Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương trực tiếp thu hoặc phân cấp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu và thông báo cho đối tượng đóng kinh phí công đoàn để biết thực hiện.

3. Liên đoàn Lao động cấp tỉnh thành phố và tương đương; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ được phân cấp thu kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp dưới đối với các đơn vị sau:

- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước

- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có từ 5.000 lao động trở lên, có tài khoản, có kế toán công đoàn chuyên trách, ba năm liền kề thực hiện tốt việc thu kinh phí công đoàn, báo cáo dự toán, quyết toán thu chi tài chính công đoàn, nộp nghĩa vụ lên công đoàn cấp trên đầy đủ, kịp thời

- Các đơn vị thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường, lâm trường quốc doanh

4. Các cấp công đoàn phải ban hành Quyết định phân cấp thu kèm theo danh sách đối tượng đóng kinh phí công đoàn được phân cấp để công đoàn các cấp dưới thực hiện

5. Phương thức thu kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước Tổng Liên đoàn có hướng dẫn riêng.

Điều 20. Phân cấp thu đoàn phí công đoàn, thu khác

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng và phân cấp cho công đoàn cơ sở thu.

2. Nguồn thu khác theo Khoản 4 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 phân cấp thu cho đơn vị có phát sinh nguồn thu này.

Trên đây là nội dung quy định về việc phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phí công đoàn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào