Việc quản lý tài sản công đoàn được quy định như thế nào?

Việc quản lý tài sản công đoàn được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập. Tôi đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Công đoàn, hiện tại tôi đang muốn tìm hiểu những quy định về tổ chức công đoàn Việt Nam, đặc biệt là những quy định liên quan đến vấn đề tài chính công đoàn vì trong quá trình tìm hiểu có một số vấn đề mà tôi chưa rõ lắm. Chính vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Việc quản lý tài sản công đoàn được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo nội dung này ở đâu? Rất mong nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập. Hoàng Oanh (oanh***@gmail.com)

Việc quản lý tài sản công đoàn được quy định từ Điều 13 đến Điều 18 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 như sau:

Điều 13. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên, từ nguồn tài chính công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của công đoàn. Tổng Liên đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng.

Điều 14. Tài sản công đoàn ở các đơn vị phải thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012; các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 15. Tiếp nhận và chuyển giao tài sản

1. Trước khi điều chuyển tài sản của công đoàn sang các đơn vị khác ngoài tổ chức công đoàn theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị được phân cấp quản lý, sử dụng tài sản phải xin ý kiến của Tổng Liên đoàn.

2. Điều chuyển tài sản trong nội bộ cơ quan và giữa các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.

3. Điều chuyển tài sản giữa các Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương do Tổng Liên đoàn quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.

Điều 16. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự toán, quyết toán đầu tư XDCB, mua sắm tài sản; sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết

1. Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:

- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp qua Tổng Liên đoàn và nguồn tài chính của Tổng Liên đoàn cấp.

- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm tài sản bằng nguồn tài chính công đoàn (bao gồm cả nguồn khác nhưng công đoàn quyết định đầu tư) trên 2 tỷ đồng trở lên và ủy quyền cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương thực hiện quy trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về XDCB và đấu thầu.

- Phê duyệt chủ trương mua ô tô mới, thanh lý xe ô tô cũ của các cấp công đoàn, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công đoàn (bao gồm cả công ty cổ phần công đoàn giữ cổ phần chi phối).

- Phê duyệt chủ trương sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp trực thuộc công đoàn các cấp theo quy định của pháp luật có giá trị của hợp đồng trên 2 tỷ đồng.

2. Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương:

- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm bằng nguồn tài chính công đoàn của đơn vị đến 2 tỷ đồng. Thực hiện quy trình đầu tư xây dựng và đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng nguồn tài chính của đơn vị trên 2 tỷ đồng, sau khi được Tổng Liên đoàn phê duyệt chủ trương.

- Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương phê duyệt chủ trương sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật có giá trị của hợp đồng đến 2 tỷ đồng.

3. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư XDCB, mua sắm tài sản của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn:

- Dự án XDCB, mua sắm tài sản cố định bằng nguồn tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn phê duyệt.

- Dự án XDCB, mua sắm tài sản (trừ ô tô) từ quỹ hoạt động sự nghiệp; sử dụng quỹ hoạt động sự nghiệp đầu tư tài chính (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng), góp vốn liên doanh, liên kết: các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên quyết định giá trị từ 02 tỷ đồng trở xuống, các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên quyết định giá trị tối đa 01 tỷ đồng, các đơn vị được ngân sách đảm bảo chi thường xuyên quyết định giá trị tối đa 500 triệu đồng.

4. Cấp quyết định đầu tư, mua sắm tài sản, quyết định việc thanh lý tài sản.

Điều 17. Quản lý xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm, tài sản

Quản lý xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm tài sản của các cơ quan công đoàn phải tuân thủ trình tự, thủ tục đầu tư; Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư XDCB và đấu thầu.

Khi tổng hợp quyết toán vốn đầu tư XDCB, mua sắm tài sản vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn của đơn vị với công đoàn cấp trên, phải kèm theo hồ sơ quyết toán đầu tư XDCB, mua sắm tài sản.

Đối với công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa có mức đầu tư từ 200 triệu đồng trở lên phải có dự toán, thiết kế và báo cáo thẩm định dự toán trước khi thực hiện. Khi công trình hoàn thành phải được kiểm toán hoặc thẩm định quyết toán của cơ quan có chức năng.

Đối với công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa có mức đầu tư từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng phải có hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm định dự toán trước khi thực hiện, phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành sau khi được thẩm định.

Điều 18. Các đơn vị kế toán công đoàn phải theo dõi việc quản lý, sử dụng tài sản công đoàn; hạch toán chính xác, đầy đủ, kịp thời nguyên giá, tăng, giảm, giá trị hao mòn, khấu hao TSCĐ vào sổ sách, báo cáo quyết toán; Thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng tài sản hàng năm theo quy định của Nhà nước.

Trên đây là nội dung quy định về việc quản lý tài sản công đoàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào