Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tích lũy
Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tích lũy được quy định tại Điều 12 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 như sau:
- Tài chính công đoàn tích lũy đến thời điểm 31/12 được chuyển sang năm sau để sử dụng.
- Các cấp công đoàn được sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật, cấp vốn Điều lệ cho các đơn vị trực thuộc theo Quy chế tổ chức và quản lý tài chính doanh nghiệp công đoàn; Đầu tư XDCB, mua sắm và cân đối cho các yêu cầu chi của năm dự toán nhưng tối đa không quá 50% số dư tích lũy đến cuối năm trước (bao gồm cả số dư đầu tư tài chính, cấp vốn điều lệ, đầu tư XDCB lũy kế). Sử dụng tài chính công đoàn tích lũy đến cuối năm trước chi cho hoạt động thường xuyên và XDCB, mua sắm tài sản của năm tài chính phải đưa vào dự toán và phải được công đoàn cấp trên có thẩm quyền duyệt.
- Đối với tiền gửi ngân hàng, gửi có kỳ hạn không tính định mức sử dụng nêu trên, việc chuyển tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng do đơn vị có tiền gửi quyết định.
- Việc sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để cấp vốn điều lệ, đầu tư XDCB, mua cổ phần theo quy định của Nhà nước, căn cứ theo quyết định của cấp có thẩm quyền ghi giảm nguồn tài chính công đoàn tích lũy của đơn vị khi kết thúc năm tài chính, đồng thời tăng nguồn vốn tương ứng và theo dõi, thanh quyết toán theo chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn, đảm bảo tính minh bạch về quản lý nguồn kinh phí.
Trên đây là nội dung quy định về việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tích lũy. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật